Đường quốc lộ bị ngập và tê liệt hoàn toàn, hàng nghìn ha hoa màu bị hỏng, hàng chục nghìn nhà dân tốc mái, cuộc sống người dân vùng ảnh hưởng điêu đứng... là những gì các cơn bão dị thường gây ra.
Bão số 3 giật trên cấp 17 tiến vào Vịnh Bắc Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15, giật trên cấp 17.
Dự báo tối nay, lúc 22 giờ ngày 6/9 bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h, trên đất liền phía Bắc đảo Hải Nam, cách Quảng Ninh khoảng 350km về phía Đông Đông Nam với sức gió cấp 15, giật trên cấp 17.
Bão số 3 giữ nguyên sức gió giật cấp 17 chuẩn bị tiến vào Vịnh Bắc Bộ.
Đến 0 giờ ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h, đi vào Bắc vịnh Bắc Bộ trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định. Đến 10 giờ ngày 8/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h, đi vào đất liền và suy yếu và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.
Từ đêm 6/9 và gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9).
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, chỉ trong vòng 6 tiếng vừa qua bão số 3 (bão YAGI) lại mạnh lên cấp gió 240km/h. Như vậy Yagi đã 2 lần lên cấp siêu bão trong vòng 24 tiếng. Tâm bão đang cách bờ Đông đảo Hải Nam 256km và sẽ tiếp cận vào Hải Nam - Lôi Châu (Trung Quốc) trong chiều nay. Sẽ là thảm họa lớn với vùng này vì khi bão vào bờ nó chỉ giảm 1 cấp.
Các khối mây khổng lồ xung quanh bão nhưng không liên kết với tâm bão đang di chuyển vào miền Bắc và Bắc Trung Bộ gây mưa trước bão theo từng đợt. Ngày hôm nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ và ven biển Bắc Bộ sẽ có mưa trước bão với lượng mưa lớn kèm sấm chớp.
"Khi bão vào gần bờ biển từ Thái Bình tới Quảng Ninh sẽ có sóng cao hơn 5 mét, khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ có sóng cao 6 mét - 7 mét. Bà con ở vùng ven biển nên kê cao đồ đạc, sơ tán khỏi vùng thấp trũng ven biển", TS Nguyễn Ngọc Huy cảnh báo.
Những cơn bão dị thường giống bão số 3
Ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bão số 3 có diễn biến tương đương với bão số 10 (DOKSURI) năm 2017, tâm bão đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, sau đó bão tiếp tục di chuyển hướng Tây Tây Bắc, sang khu vực Thượng Lào. Thời gian có gió bão mạnh nhất khu vực Hà Tĩnh diễn ra trong khoảng từ 09h đến 20h ngày 15/9. Lượng mưa các khu vực trong tỉnh phổ biến 157,3 - 339,5mm.
Mưa bão làm ngập 29 thôn, 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Hà Tĩnh). Đường quốc lộ IA qua thị xã Kỳ Anh bị tạm dùng hoạt động nhiều giờ, nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại;
Có trên 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại hoàn toàn. Có gần 1.000 ha lúa mùa, nhiều diện tích rau màu bị bị ngập, hư hỏng. 62.512 nhà dân ở Hà Tĩnh bị đổ, tốc mái, nhiều trường học, trạm y tế và một số đơn vị, cơ quan cũng bị gió thổi bay mái. Hầu hết các địa phương bị mất điện lưới. Một số tuyến đường do cột điện và cây cối bị đổ gãy gây khăn cho việc đi lại.
Nhiều cơn bão có đường đi tương tự bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân vùng ảnh hưởng.
Một cơn bão khác tàn phá nước ta khi đổ bộ là bão số 9 năm 2018 (bão Molave). Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi vào biển Đông, bão số 9 di chuyển nhanh theo hướng Tây và mạnh thêm 2- 3 cấp, cường độ bão mạnh nhất đạt cấp 14, giật cấp 17 trong ngày và đêm 27/10.
Khi di chuyển đến gần kinh tuyến 113 độ kinh Đông, bão số 9 chuyển hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20- 25km/h. Nửa đêm 27/10 đến sáng 28/10, khi vào gần vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Bình Định, cường độ bão giảm xuống cấp 12-13, giật cấp15- 16.
Đến trưa ngày 28/10, bão số 9 đã đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Khu vực tỉnh Quảng Ngãi là nơi tâm bão số 9 đi qua nên đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Thiệt hại do bão, 13 người bị thương, 433 nhà bị tốc mái, 420 trường bị tốc mái (chủ yếu là các trường tiểu học, THCS), 126 cơ sở y tế bị tốc mái. Công trình đê kè biển, sông và đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng rất nhiều. 167 phương tiện bị chìm, chủ yếu là tàu nhỏ neo đậu không kỹ. Nóc nhà trạm thủy văn An Chỉ bị bay hoàn toàn. Trạm Lý Sơn : cửa bị hư hỏng nặng, mái nhà bị tốc nhiều chỗ.
Một cơn bão khác có sức tàn phá lớn khi đổ bộ nước ta là bão số 1/2016 (tên quốc tế là Mirinae). Sáng ngày 27/7/2016, bão Mirinae đi vào Vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 8, giật cấp 9-10. Đến chiều ngày 27/7/2016, bão tăng tốc nhanh 15-20km và uy hiếp khu vực Quảng Ninh đến Thái Bình. Khi tiếp cận bờ biển tỉnh Nam Định-Ninh Bình, bão số 1 có cường độ bão mạnh cấp 12, giật cấp 13.
Cơn bão Mirinae đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Cụ thể, đã có 3 người chết, 4 người mất tích, 30 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 1.400 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 12 tàu chìm (nhiều nhất ở Nam Định với 7 chiếc); 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản ở Nam Định bị thiệt hại. Hàng trăm cột điện cao thế ở nhiều tỉnh thành bị đổ gây nên sự cố mất điện toàn tỉnh tại ba tỉnh Nam Định, Hà Nam và Thái Bình.
Bão cũng làm các tỉnh "điêu đứng" với hơn 196.000 ha lúa bị ngập, nặng nhất là Nam Định gần 78.000 ha, Thái Bình 50.000 ha. Gần 21.000 diện tích rau màu bị hư hại; hơn 44.000 cây bị gãy đổ, trong đó Hà Nội nhiều nhất, gần 66.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hơn 9.000m3 đất đá bị sạt lở, kênh mương bị hư hỏng là 643m; gần 11.000ha và 242 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.