Nhịp đập yêu thương nơi vùng sơn cước Tu Nương

Hoàng Vinh | 02/09/2022, 06:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhận những phần quà đầy ý nghĩa trước thềm năm học mới và có cây cầu treo bắc qua suối khi mùa mưa lũ đang đến cận kề, các em học sinh và bà con ở nơi vùng sơn cước Tu Nương, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My mừng vui khôn xiết.

Sinh viên mang yêu thương đến với dân nghèo

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp theo chân nhóm từ thiện Hand In Hand Việt – Hàn thuộc Đoàn Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) - Đại học Đà Nẵng làm chương trình thiện nguyện “Trà Tập - Nhịp đập yêu thương” tại nóc Tu Nương, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

Ở nóc Tu Nương, cái gọi là nhà để ở chỉ được ghép bằng những miếng gỗ không chắc chắn, thậm chí không đủ che mưa, che nắng và dễ dàng bị thổi bay khi có trận gió lớn kéo về.

Chị Hoàng Vũ Dạ Quỳnh, Trưởng nhóm Hand In Hand Việt – Hàn, cho hay, các em học sinh ở đây khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đặc biệt, để đến được trường học, các em phải đi bộ khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ vì khoảng cách từ nhà tới trường rất xa. Bên cạnh đó, mỗi khi đến mùa mưa lũ, nước dâng đột ngột, chảy xiết, chia cắt con đường đến trường khiến các em sẽ phải nghỉ học vài ngày, đôi khi kéo dài gần nửa tháng.

Còn với người dân, mỗi khi mùa mưa lũ về, họ không dám mạo hiểm băng qua dòng nước dữ để lên nương hay ra huyện mua lương thực và đành chấp nhận cố thủ trong nóc ăn rau dại, hay tìm những thứ có thể ăn được để chống chọi qua ngày đoạn tháng.

Thấu hiểu được những khó khăn ấy, nhóm từ thiện Hand In Hand Việt – Hàn đã lên kế hoạch, các hình thức gây quỹ từ thu gom ve chai, quyên góp quần áo cũ để bán, nuôi heo đất... Cùng với đó là sự chung tay đóng góp của các mạnh thường quân, để mang đến hỗ trợ cho các em học sinh và người dân nơi đây.

“Chúng tôi đã gom góp được gần 120 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều vật phẩm như áo quần cũ, đồ dùng học tập… để trao tặng cho các em học sinh và bà con ở nóc Tu Nương”, chị Quỳnh thông tin.

Gieo ước mơ con chữ

Nhịp đập yêu thương nơi vùng sơn cước Tu Nương ảnh 1

Vui chơi cùng các em học sinh.

Trong 3 ngày ở nóc Tu Nương, hơn 50 thành viên của đoàn thiện nguyện đã làm việc cật lực, nhanh chóng cải thiện môi trường học tập và cảnh quan cho điểm trường mẫu giáo và cấp 1. Nhóm cũng đã tặng cho trường dụng cụ học tập, bộ đồ chơi phát triển trí não, sách, truyện mới, làm khu vui chơi cho các em học sinh, sơn và vẽ tranh tường, cải thiện hệ thống thoát nước…

Ngoài ra, nhóm Hand In Hand Việt – Hàn còn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt chung với đồng bào tại đây như: Chiếu phim, nấu hơn 100 suất ăn miễn phí cho tất cả trẻ em, cắt tóc miễn phí, tặng giống vật nuôi cho 5 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng hàng chục phần quà cho hộ gia đình bao gồm quần áo, mền và các nhu yếu phẩm, tặng 100 phần quà cho 100 em nhỏ bao gồm áo quần đồng phục, cặp, ủng đi mưa… Ngoài ra, nhằm góp phần giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp cho bà con, nhóm từ thiện cũng đã tặng và đặt 3 thùng rác dân sinh.

Đặc biệt, nhóm tình nguyện đã hoàn thành cây cầu treo dài 15m bằng sắt kết hợp dây văng trị giá hơn 50 triệu đồng bắc qua suối Tu Nương để bà con thuận lợi trong việc đi lại, các em học sinh có thể đến trường đỡ nguy hiểm mỗi khi mùa mưa lũ về.

Cầm trên tay chiếc cặp, bộ đồng phục mới, em Nguyễn Thị Đông Khiết, học sinh lớp 5, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập, mừng vui: “Chưa bao giờ em nhận được nhiều quà đến thế. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ tấm lòng của thầy cô và các cô chú”.

Đi trên cây cầu dây văng vừa mới hoàn thành, anh Trần Văn Bân – trú nóc Tu Nương - hồ hởi: “Có cầu mới, bà con chúng tôi mừng vui lắm! Có cầu rồi, các cháu học sinh sẽ không còn phải nghỉ học, còn người dân cũng dễ dàng hơn trong việc di chuyển mỗi khi mùa mưa lũ về”.

“Với phương châm “Sống là sẻ chia”, nhóm hy vọng rằng, những món quà mà mình đã trao tặng trong chuyến thiện nguyện nay sẽ là nguồn động lực, hỗ trợ tinh thần để bà con có thể yên tâm lao động sản xuất.

Còn các em học sinh có đầy đủ quần áo, sách vở, giày dép tới trường viết tiếp ước mơ với con chữ, để rồi mai này cái nghèo sẽ không phải là nỗi ám ảnh dai dẳng với bà con tại nóc Tu Nương”, chị Quỳnh tâm sự.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhịp đập yêu thương nơi vùng sơn cước Tu Nương