Quyết định nhóm môn lựa chọn lớp 10, học sinh cần căn cứ vào nhiều yếu tố như năng lực, sở thích bản thân, định hướng nghề nghiệp tương lai.
Nếu chọn đúng, các em sẽ phát huy được thế mạnh của mình, chọn sai sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng, áp lực và có thể không có cơ hội thay đổi vì liên quan đến khối lượng kiến thức phải học bù, kiểm tra, đánh giá.
Đủ điểm đỗ vào Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Nguyễn Bảo Thy băn khoăn giữa 8 nhóm môn lựa chọn được nhà trường thông báo. “Em học ổn môn Toán, Hóa học và Anh văn nên phân vân vì có đến 6 nhóm môn có mặt môn Hóa học. Trong đó, em nghiêng về phương án chọn giữa 2 nhóm môn N1 gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, đi kèm là chuyên đề Vật lí, Hóa học, Sinh học và nhóm môn N3 gồm Vật lí, Hóa học, Địa lí, Tin học, đi kèm chuyên đề Toán, Vật lí, Địa lí”.
Theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên tư vấn, với sở trường môn Hóa học, nếu kèm thêm môn Vật lí và Sinh học sẽ có nhiều lựa chọn xét tuyển hơn, gồm khối A, khối B, D07 hoặc chuyển qua khối D, D01 nếu muốn. Bảo Thy cũng có thể chọn nhóm N3 nếu chắc chắn không thi vào các trường khối Y. Tuy nhiên, nhóm N1 và N3 như lựa chọn của Bảo Thy kiến thức học sẽ nặng.
Thầy Bùi Thế Giới - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ngãi nhận xét, nhiều học sinh, kể cả phụ huynh chưa hiểu rõ nội dung học các môn như: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và tổ hợp môn có liên quan đến hai môn học này.
Vì vậy, học sinh không mặn mà lựa chọn nhóm môn lựa chọn có mặt các môn này bởi chưa hình dung được ngành nghề, lĩnh vực có thể xét tuyển sinh. Trong khi đó, “đầu ra” của môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật thì có thể tham gia xét tuyển vào một số lĩnh vực như quản lý hành chính nhà nước, sư phạm, công an, quân đội, chính trị, luật, công tác xã hội…
Cô Hồ Thị Thảo Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, trong tư vấn học sinh và phụ huynh về nhóm môn lựa chọn, nhà trường đề nghị phụ huynh tham khảo thông tin các tổ hợp môn xét tuyển sinh ở website trường đại học.
“Đây là định hướng đầu tiên vì nó liên quan đến cơ hội chọn ngành nghề tương lai của học sinh. Việc chọn nhóm môn để đăng ký theo học ở lớp 10 sẽ quyết định phần lớn đến xu hướng nghề nghiệp mà không đợi lên lớp 12 mới quyết định lựa chọn. Phụ huynh và học sinh ít nhất phải hình dung được phù hợp ngành nghề gì, từ đó quyết định lựa chọn môn học, không thể chọn đại vì cơ hội thay đổi sau khi học xong lớp 10 rất khó”, cô Thảo Nguyên phân tích.
Một định hướng nữa mà Trường THPT Trần Phú lưu ý học sinh, phụ huynh trong tư vấn chọn nhóm môn là đảm bảo phù hợp năng lực, sở trường để không quá tải trong quá trình học.
Cô Thảo Nguyên nhận xét, một bộ phận học sinh có kết quả học tập tốt các môn tự nhiên ở cấp THCS nhưng thấy áp lực khi đăng ký theo học 3 môn Vật lí - Hóa học - Sinh học của chương trình lớp 10 vì lượng kiến thức nhiều và chuyên sâu. Trong khi đây là nhóm môn đông học sinh và phụ huynh lựa chọn đăng ký vì sau này nhiều cơ hội trong xét tuyển sinh đại học.
Trong tư vấn các nhóm môn lựa chọn, Trường THPT Trần Phú cũng lưu ý phụ huynh không nhất thiết lựa chọn nhóm đủ 3 môn Vật lí - Hóa học - Sinh học. Chỉ cần có 2 trong số 3 môn học này và đưa các tổ hợp xét tuyển đại học đi kèm để phụ huynh hình dung đầu ra. Nhà trường xây dựng nhóm môn lựa chọn có cả Vật lí - Hóa học - Sinh học nhưng có nhóm môn Vật lí - Hóa học và Hóa học - Sinh học đi kèm 2 môn khác giúp cân bằng áp lực và để học sinh có kỹ năng đi liền.
Trường THPT Trần Phú cũng chuyển đến phụ huynh, học sinh trong tư vấn lựa chọn nhóm môn ở lớp 10 là cung cấp nội dung cơ bản môn học Công nghệ và Giáo dục kinh tế - phát luật. “Môn Giáo dục kinh tế - pháp luật chính là môn Giáo dục công dân ở chương trình cũ. Đây là môn thế mạnh của nhà trường khi 100% học sinh dự thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố đều có giải và đạt giải cao. Đây cũng là lợi thế trong xét tuyển sinh đại học theo đề án tuyển sinh riêng một số trường”, cô Thảo Nguyên thông tin.
Theo thống kê từ Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), khoảng 50% số học sinh có nguyện vọng đăng ký theo học nhóm tổ hợp có môn Toán - Vật lí - Hóa học. 25% số học sinh sẽ chọn tổ hợp có môn Toán - Vật lí và Anh văn với biên chế khoảng 4 lớp, số còn lại thường chọn môn Toán - Ngữ văn và Anh văn.
Trên cơ sở này, Trường THPT Bình Sơn xây dựng môn đi cùng phù hợp. Thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với học sinh có xu hướng thiên về khối xã hội, sẽ có thêm môn Giáo dục kinh tế - pháp luật. Những học sinh thiên về kỹ thuật có thêm môn Công nghệ (Kỹ thuật công nghiệp).
Năm nay, nhiều trường THPT ở Quảng Ngãi đưa môn Âm nhạc, Mỹ thuật vào tổ hợp môn lựa chọn, đáp ứng nhu cầu lựa chọn môn học cho học sinh có năng khiếu về nghệ thuật. Các trường THPT đã chủ động hơn trong xây dựng nhóm môn lựa chọn. Việc xây dựng tổ hợp các môn cơ bản giữ ổn định như năm học trước. Song năm nay, nhiều trường đưa môn Âm nhạc và Mỹ thuật vào tổ hợp môn lựa chọn vì đã tuyển dụng hoặc hợp đồng được giáo viên.
Ưu tiên tối đa nguyện vọng học sinh là phương châm của Trường THPT Bình Sơn. Thầy Phạm Thạch Sinh cho biết, nếu dữ liệu nguyện vọng chọn nhóm môn lựa chọn trên thực tế của học sinh trùng hợp những phương án mà nhà trường chủ động xây dựng là lý tưởng nhất.
“Tuy nhiên, sẽ có tình huống một số môn lựa chọn có số học sinh theo học vượt quá dự đoán nhà trường. Trong trường hợp đội ngũ giáo viên vẫn bảo đảm, chúng tôi sẽ điều chỉnh phương án xếp lớp theo nguyện vọng học sinh. Nếu tình huống chọn môn tự chọn của học sinh dẫn đến tình trạng dôi dư giáo viên một vài môn học thì nhà trường vẫn chấp nhận”, thầy Phạm Thạch Sinh chia sẻ.
Như với môn Âm nhạc, năm học 2023 - 2024 chỉ có chưa đầy 30 học sinh đăng ký theo học, tuy nhiên, Trường THPT Bình Sơn vẫn biên chế thành một lớp vì vẫn sắp xếp được giáo viên đứng lớp.
Một hướng khác là trường vẫn duy trì lớp học truyền thống nhưng sẽ tổ chức học riêng một số môn. Như khối lớp 10 lên 11 của Trường THPT Bình Sơn có một lớp phải chia đôi thời khóa biểu ở một số môn học.
Vì số học sinh đăng ký nhóm môn lựa chọn có môn Tin học chỉ khoảng 25 em, số học sinh đăng ký môn Kỹ thuật công nghiệp khoảng 20 em. Để đảm bảo các em được học theo nguyện vọng, nhà trường sắp xếp 2 nhóm môn này vào 1 lớp, thời khóa biểu các môn học khác giống nhau, riêng 2 môn học này sẽ học đồng thời và chia thành 2 phòng học với biên chế lớp nhỏ hơn.
Năm nay, sau 20/7, trường mới tư vấn cho học sinh, phụ huynh đăng ký nhóm môn lựa chọn nên không biết số liệu cụ thể sẽ thế nào. Nhưng thầy Phạm Thạch Sinh cam kết, nhà trường sẽ cân đối nguồn lực giáo viên để ưu tiên tối đa nguyện vọng của học sinh nhằm đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho các em sau này.
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ngãi cũng xây dựng kế hoạch 4 lớp có nhóm môn lựa chọn thiên về khoa học xã hội và 1 lớp nhóm môn lựa chọn là khoa học tự nhiên. Thầy Lê Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đặc thù của học sinh dân tộc là học tốt các môn khoa học xã hội, vì vậy, trong xây dựng các tổ hợp môn, nhà trường ưu tiên tối đa nguyện vọng học sinh để vừa giảm áp lực học tập, đồng thời phù hợp xu hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em. Vì vậy, biên chế sĩ số mỗi lớp có thể dao động từ 30 - 45 học sinh tùy theo đăng ký thực tế mỗi năm học”.
Trong khi đó, Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) xây dựng 4 nhóm môn lựa chọn để học sinh đăng ký, mỗi em có 2 nguyện vọng. Căn cứ vào thực tế đăng ký của học sinh, nhà trường sẽ sắp xếp lớp hợp lý. Các nhóm môn lựa chọn được xây dựng đảm bảo 3 điều kiện: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường; đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của học sinh. Trong đó, 1 lớp có nhóm môn lựa chọn thiên hẳn về tự nhiên, 1 lớp thiên hẳn về các môn xã hội.
Các trường THPT ở Đà Nẵng cho mỗi học sinh lớp 10 được đăng ký 2 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 ưu tiên trước hết. Nếu học sinh đăng ký vượt quá số lớp dự kiến, với lớp thiên về tự nhiên, sẽ xét điểm trung bình chung các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của lớp 9 cộng với điểm thi đầu vào chia trung bình. Với lớp thiên về nhóm môn xã hội, sẽ cộng điểm 3 môn Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử của năm học lớp 9 cùng điểm thi đầu vào chia trung bình và lấy từ cao đến thấp.