Nhóm thiếu niên giết người cướp của ở Bình Dương: Người tiêu thụ tang vật bị xử lý thế nào?

05/08/2023, 16:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng.

Liên quan đến vụ án giết người cướp của do nhóm thanh thiếu niên thực hiện vào ngày 4-8 trên địa bàn thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, các đối tượng khai tang vật cướp được đã đem bán cho vựa ve chai với giá hơn 1 triệu đồng, nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đặt ra câu hỏi: Liệu người mua tang vật vụ án có bị xử lý hay không?.

Về việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng trước hết căn cứ Điều 323 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng.

Nhóm thiếu niên giết người cướp của ở Bình Dương: Người tiêu thụ tang vật bị xử lý thế nào? - 1

Nhóm thanh thiếu niên thực hiện vụ cướp của giết người

Hành vi phạm tội được mô tả trong điều luật bao gồm hành vi “chứa chấp” và hành vi “tiêu thụ”. Cả hai hành vi này đều được xử lý chung trong cùng một điều luật và với mức hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 15 năm. Ngoài ra, tội danh này còn có thể áp dụng hình phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng; cải tạo không giam giữ nếu hành vi thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 09/2011, nếu chứng minh được người mua ve chai biết rõ là chiếc xe do trộm cắp mà vẫn mua thì sẽ phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

"Việc xử lý người có hành vi tiêu thụ hàng gian chỉ diễn ra khi cơ quan điều tra chứng minh được ý thức của người tiêu thụ biết rõ tài sản do trộm cắp mà có hoặc người tiêu thụ buộc phải biết tài sản mình mua là hàng do người khác phạm tội mà có" - luật sư Tuấn thông tin.

Theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn, để tránh rắc rối khi mua tài sản, người mua nên biết người bán có quyền bán tài sản đó cho mình hay không (có phải chính chủ hay người được ủy quyền hợp pháp không). Trường hợp tài sản có nguồn gốc bất minh thì không nên mua.

Nhóm thiếu niên giết người cướp của ở Bình Dương: Người tiêu thụ tang vật bị xử lý thế nào? - 2

2 chiếc xe là tang vật vụ án được bán cho vựa ve chai

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng 11 giờ, ngày 4-8, ông N.V.D đến Công an thị xã Bến Cát trình báo vụ việc có dấu hiệu giết người, cướp tài sản xảy ra tại bờ kênh gần một công ty nằm trên phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Theo trình báo, ông N.V.D cùng bạn là ông V.V.T (SN 1960, trú tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát) đi câu cá tại bờ kênh thì bị 1 nhóm đối tượng tấn công cướp xe rồi tẩu thoát. Sự việc khiến ông T. tử vong, ông N.V.D may mắn chạy thoát.

Sau hơn 3 giờ gây án, từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, CQĐT Công an thị xã Bến Cát phối hợp Phòng CSHS tiến hành bắt giữ 5 đối tượng khi đang lẩn trốn tại khu phố 1, phường Thới Hòa.

Danh tính nhóm này gồm: Trương Vân Quốc Vũ (SN 2008, ngụ tỉnh Đắk Lắk); Trương Mến (SN 2009, ngụ tỉnh Kiên Giang); Trương Văn Thương (SN 2006, ngụ tỉnh Kiên Giang); Nguyễn Thanh Nhã (SN 2003, ngụ tỉnh Long An và Trần Thanh Hùng (SN 2008, ngụ tỉnh Kiên Giang).

Theo lời khai của các đối tượng, 2 chiếc xe cướp được từ nạn nhân, cả nhóm đem đi bán ở vựa ve chai được hơn 1 triệu đồng, sau đó chia mỗi người 200.000 đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm thiếu niên giết người cướp của ở Bình Dương: Người tiêu thụ tang vật bị xử lý thế nào?