Chữa răng lợi sưng đau chảy máu: Hạt gấc nướng chín, giã nhỏ hòa nước ngậm khoảng 30 phút rồi nhổ đi.
Rễ gấc: Rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Khi dùng sao vàng, tán nhỏ, ngày dùng 6-12g. Trị thủy thũng, cước khí sưng phù. Trị phong thấp, khớp xương sưng nhức, trị nhọt lở.
Lá gấc: Lá gấc non làm rau ăn như ngọn su su, nấu canh, hoặc xào, tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng. Lá gấc phối hợp với tầm gửi đắp vào nơi tổn thương (ngoài da) tiêu sưng tấy.
Lưu ý khi sử dụng gấc
Không nên dùng hạt gấc làm thuốc dùng trong qua đường uống một cách bừa bãi, chỉ nên làm thuốc dùng bôi ngoài da, liều lượng chỉ nên 2-4g/ngày, khi dùng phải nướng chín hạt.
Quả gấc có chứa rất nhiều dạng tiền vitamin A (beta-caroten). Vitamin A là vitamin tan trong dầu, khi thừa không thải ra khỏi cơ thể hàng ngày như các loại vitamin tan trong nước, mà tích lũy lại trong gan nên dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc.
Nếu dùng quá nhiều caroten hay còn gọi là tiền vitamin A (ở các thực phẩm) gây tích trữ dưới da, làm vàng da nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân. Những dấu hiệu này sẽ thuyên giảm nếu ngừng sử dụng vitamin A liều cao.
Ở người lớn, lạm dụng vitamin A sẽ có các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khô da, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Đối với trẻ em, khi sử dụng quá lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể, trẻ thường chậm tăng cân, tăng chảy máu và đau xương, kìm hãm sự phát triển xương làm trẻ chậm lớn…
Với dầu gấc, người lớn mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2ml dầu gấc, chia làm 2 lần, dùng trước bữa ăn. Khi đã dùng dầu gấc thì không ăn đồng thời các rau quả giàu beta caroten như bí đỏ, cà rốt, đu đủ... trong cùng 1 ngày hoặc liên tục trong 1 thời gian, để tránh gây vàng da.
Không nên dùng mỡ gấc, dầu gấc để rán, vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy carotene. Nên trộn vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống thay dầu cá, mỗi ngày khoảng 10g (2 muỗng cà phê) tương đương 700 microgram vitamin A cho trẻ suy dinh dưỡng. Nếu là dầu gấc nguyên chất ép từ màng gấc đã phơi, sấy khô thì liều cho trẻ em hàng ngày chỉ cần 8 giọt (khoảng 2 viên nang).