Những cô giáo miền núi đi đầu trong chuyển đổi số

24/10/2023, 06:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tiên phong về chuyển đổi số, các cô giáo góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở miền núi...

Để có quả ngọt trên vùng đất khó là nỗ lực không biết mệt mỏi của những cô giáo trẻ. Trong mỗi dấu chân thầm lặng là một câu chuyện đầy xúc động của người đi gieo hạt nơi vùng cao.

Nhắc đến cô giáo Hồ Thị Sen, gia đình cậu học trò Lô Văn Thương (SN 2009, trú ở buôn Thái, xã Ea Kuêh) vẫn rưng rưng xúc động. Thương là học trò khá đặc biệt, em mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo Thalassemia (thiếu máu tán huyết bẩm sinh). Khi vào lớp 1, bố Thương gặp nạn rồi qua đời.

Không có nương rẫy, hai mẹ con Thương bám víu vào số tiền mẹ đi làm thuê góp nhặt mỗi ngày. Việc học của Thương cũng xa vời hơn. Biết được hoàn cảnh của Thương, cô Sen cùng tập thể Trường Tiểu học Bế Văn Đàn đã chăm sóc, giúp đỡ Thương hoàn thành chương trình tiểu học (năm học 2019 - 2020). Do bệnh tật nên hiện nay Thương tạm thời dừng việc học để đi điều trị.

“Gia đình tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của cô giáo Sen và tập thể nhà trường. Nếu không có sự giúp đỡ ấy, Thương có khi chẳng biết chữ chứ đừng nói là hoàn thành hết lớp 5”, mẹ của Thương xúc động cho biết.

Câu chuyện của Giàng Seo Hồ, thôn 7 xã Cư Króa, học sinh của cô Lương khi dạy ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn lại khiến cho bao người nể phục. Nhà của Hồ ở cách xa trường hơn 4km. Hàng ngày, em cuốc bộ qua suối, qua khe để đến trường. Hồ chăm học và học giỏi. Hồ cho biết, cô Lương đã giúp em biết đến vi tính, Internet và học online.

Nhắc đến những việc mình làm, cô Lương khiêm tốn nói: “Chính nghị lực của em Hồ đã trở thành động lực để tôi luôn nỗ lực hơn trong công việc. Tôi muốn động viên, hỗ trợ những em chưa may mắn được đến trường học tập trong điều kiện tốt nhất”.

Mục đích của chuyển đổi số trong dạy học là tạo ra những tác động tích cực đến nhận thức, hành động của giáo viên và học sinh. Trước hết, giáo viên cần chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy. Sử dụng các công nghệ số giúp giáo viên tạo ra trải nghiệm học tập, tương tác hấp dẫn. Điều này cũng giúp việc theo dõi tiến trình học tập của học sinh tốt hơn.

“Để học sinh vùng khó Đắk Lắk không bị bỏ lại phía sau, chúng tôi xây dựng mạng lưới hỗ trợ cho học sinh, phụ huynh và cộng đồng vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Thông qua nền tảng trực tuyến và cộng đồng học tập cho phép học sinh và phụ huynh kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và nguồn lực giáo dục. Điều này giúp xây dựng cộng đồng học tập mở rộng và cung cấp hỗ trợ cho nhau”, cô giáo Bùi Thị Lương.

“Cô giáo Hồ Thị Sen và Bùi Thị Lương đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong đó có bộ môn Tin học tại các đơn vị công tác. Trong những năm qua, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn có 105 học sinh đạt giải Tin học trẻ cấp trường, cấp huyện. Trong đó, có 9 giải Nhất; 9 giải Nhì; 11 giải Ba; 76 giải Khuyến khích.

Ngoài ra trường còn giành 1 giải Ba cấp tỉnh; 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích cấp huyện Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh Thiếu niên Nhi đồng. Năm học 2022 - 2023, ở bộ môn Tin học, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có 6 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 6 em đạt giải cấp huyện”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-co-giao-mien-nui-di-dau-trong-chuyen-doi-so-post658326.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-co-giao-mien-nui-di-dau-trong-chuyen-doi-so-post658326.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những cô giáo miền núi đi đầu trong chuyển đổi số