Sài Gòn 24/7

Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8

Theo Hà Linh/VTC News 28/07/2024 18:54

Đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ ở Quận 1 có giá đất cao nhất TP.HCM, đến 810 triệu đồng/m2 theo bảng giá dự kiến áp dụng ngày 1/8, khi Luật Đất đai có hiệu lực.

Bảng giá đất điều chỉnh dự kiến áp dụng từ 1/8/2024 tại TP.HCM, khi Luật Đất đai có hiệu lực có 4.565 tuyến đường, tăng 557 tuyến so với bảng giá đất hiện hành. Theo tờ trình của Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) về ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020 quy định về giá đất trên địa bàn thành phố, bảng giá đất mới áp dụng trong 5 tháng, từ 1/8/2020 đến hết 31/12/2024.

Theo bảng giá đất điều chỉnh, các tuyến đường khu vực trung tâm Quận 1 “nóng phỏng tay” với mức tăng 5-6 lần so với bảng giá hiện hành theo Quyết định 02.

Đường Đồng Khởi: 810 triệu đồng/m2

Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8- Ảnh 1.
Đồng Khởi là một trong 3 con đường có giá đắt nhất TP.HCM theo bảng giá dự kiến áp dụng từ 1/8, với mức 810 triệu đồng/m2. (Ảnh: TL)

Con đường này chỉ dài khoảng 1,5 km, ở ngay trung tâm Quận 1, có lịch sử lâu đời và nổi tiếng là con đường đắc địa và đắt đỏ nhất TP.HCM.

Đường Đồng Khởi có điểm đầu từ Nhà thờ Đức Bà, điểm cuối là bến Bạch Đằng. Đặc biệt, những công trình kiến trúc lịch sử biểu tượng và tinh hoa nhất của TP.HCM đều hội tụ trên tuyến đường này, như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố; các khách sạn đẳng cấp có lịch sử gắn liền với thành phố như Continental xây dựng từ năm 1878, Majestic xây dựng năm 1925, Grand Hotel Saigon xây dựng từ năm 1930, Caravelle xây dựng từ 1957, Saigon Palace (Grand Hotel Sài Gòn) xây dựng từ 1930…

Bên cạnh đó là những công trình hiện đại, nơi hội tụ những thương hiệu xa xỉ như tòa tháp đôi Vincom Đồng Khởi, Union Square, tòa nhà Opera House…

Theo bảng giá đất điều chỉnh, giá đất đường Đồng Khởi là 810 triệu đồng/m2, gấp 5 lần giá theo Quyết định 02 là 162 triệu đồng/m2.

Khảo sát của Rever năm 2020 thể hiện giá đất tại đường Đồng Khởi ở mức 950 triệu đến 1 tỷ đồng/m2. Trước đó, một khảo sát ở thời điểm giá đất tăng nóng, giá giao dịch bất động sản trên đường này từ 1-1,5 tỷ đồng/m2, thậm chí có vị trí lên đến 2 tỷ đồng/m2.

Không chỉ có giá nóng bỏng tay, đây cũng là tuyến đường có mặt bằng cho thuê lọt tốp cao nhất thế giới. Năm 2023, trong báo cáo “Đại lộ bán lẻ thế giới” do Cushman & Wakefield phát hành nghiên cứu giá thuê mặt bằng bán lẻ cao cấp tại các thành phố trọng điểm trên toàn cầu, Đồng Khởi của TP.HCM đứng thứ 13 trong tốp các đại lộ bán lẻ đẳng cấp nhất.

Theo Cushman & Wakefield, giá thuê mặt bằng tại đường Đồng Khởi là 390 USD/feet vuông/năm, tăng 17% so với cùng kỳ 2022. Tương đương quy đổi ra m2, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại đường Đồng Khởi khoảng 100 triệu đồng/m2/năm.

Đường Lê Lợi: 810 triệu đồng/m2

Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8- Ảnh 2.
Đường Lê Lợi với điểm đầu từ chợ Bến Thành, điểm cuối tại Nhà hát Thành phố luôn có giá nhà đất ở tốp cao nhất TP.HCM. (Ảnh: QS)

Đường Lê Lợi hay đại lộ Lê Lợi cũng nằm ngay trung tâm Quận 1, nối từ chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố giao với đường Đồng Khởi và giáp phố đi bộ Nguyễn Huệ. Con đường chỉ dài gần 1 km này là một trong khu đất vàng có hoạt động kinh doanh, mua bán sầm uất bậc nhất TP.HCM.

Từ năm 2014, đường Lê lợi phải chịu rào chắn suốt 8 năm để thi công ga ngầm Nhà hát Thành phố của metro số 1. Con đường được trả lại hiện trạng từ 2022, và là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thương mại lớn như đường sách Tết, các hoạt động văn hóa, triển lãm, ẩm thực...

Ga ngầm Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1 nằm dưới lòng đường Lê Lợi. Trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 vừa được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM ngày 19/5, xác định 12 khu vực trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất mà TP.HCM có thể phát triển, đường Lê Lợi cùng với các đường lân cận là nơi phát triển 5 không gian ngầm thương mại. UBND Quận 1 cũng đề xuất đường Lê Lợi sẽ tổ chức phố đi bộ để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế đêm.

Theo bảng giá đất dự kiến áp dụng ngày 1/8, giá đất đường Lê Lợi là 810 triệu đồng/m2, tăng gấp 5 lần so với giá hiện hành là 162 triệu đồng/m2.

Khảo sát tham khảo của trang thông tin mua bán nhà đất Mogi, giá nhà đất trong tháng 7/2024 trung bình tại Quận 1 ở mức 406 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, giá đất đường Lê Lợi giảm gần 19%, trung bình ở mức 334 triệu đồng/m2. Trong khi đó, thống kê giá đất Quận 1 của Rever năm 2020, khi đường Lê Lợi chưa hoàn tất tháo dỡ rào chắn thi công ga ngầm metro số 1, giá đất đường Lê Lợi ở mức 850-900 triệu đồng/m2.

Đường Nguyễn Huệ: 810 triệu đồng/m2

Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8- Ảnh 3.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ với những công trình kiến trúc hiện đại nhất tại khu trung tâm TP.HCM, có giá đất ở mức 810 triệu đồng/m2. (Ảnh: TL)

Một trong những địa chỉ vui chơi tại TP.HCM được du khách và người dân TP.HCM biết đến nhiều nhất là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phố đi bộ đầu tiên của Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Huệ ở ngay trung tâm Quận 1. Đây cũng là con đường hoa Tết nổi tiếng nhất nước xuất hiện từ năm 2004, mà người dân, du khách quen gọi đường hoa Nguyễn Huệ.

Đường Nguyễn Huệ dài khoảng 800m, có điểm đầu giao với đường Lê Thánh Tôn, cắt qua các con đường được coi là “đất vàng”: Lê Lợi, Nguyễn Thiệp, Tôn Thất Thiệp, Mạc Thị Bưởi, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Hải Triều, điểm cuối giao với đường Tôn Đức Thắng đối diện công viên Bến Bạch Đằng.

Rất nhiều công trình kiến trúc đặc biệt của thành phố quy tụ trên trên đường này, như Nhà hát thành phố, Trụ sở HĐND - UBND TP.HCM, thương xá Tax (đã tháo dỡ), Kho bạc Nhà nước TP, khách sạn Rex… cùng loạt công trình hiện đại như tòa nhà Union Square, tòa nhà Sunwah Tower, Saigon Times Square, The Reverie Saigon Hotel…

Theo bảng giá đất dự kiến áp dụng ngày 1/8 tới, giá đất đường Nguyễn Huệ là 810 triệu đồng/m2, cao gấp 5 lần mức giá đang áp dụng là 162 triệu đồng. Thực tế, theo các đơn vị môi giới bất động sản, gần như không có những giao dịch nhà đất trên đường này. Theo thống kê giá đất Quận 1 của Rever năm 2020, giá đất đường Nguyễn Huệ ở mức 1,1-1,2 tỷ đồng/m2.

Đường Lê Thánh Tôn: 550-579,5 triệu đồng/m2

Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8- Ảnh 4.
Thuận lợi kinh doanh, buôn bán nên giá nhà đất đường Lê Thánh Tôn cực kỳ đắt. (Ảnh: TL)

Đường Lê Thánh Tôn nằm tại phường Bến Nghé, Quận 1, là đường lưu thông 1 chiều, dài khoảng 1,8km, nối từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Phạm Hồng Thái. Tuyến đường này cắt các trục đường ở khu trung tâm như Trương Định, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trung Trực, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi,... với hàng loạt tòa nhà văn phòng hạng sang, nơi tập trung nhiều ngân hàng lớn.

Đặc biệt, con đường này được gọi là khu phố Nhật Bản giữa lòng Sài Gòn, vì tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn chuyên ẩm thực Nhật.

Theo bản đồ quy hoạch không gian đô thị Quận 1, đường Lê Thánh Tôn thuộc khu vực trung tâm thương mại, tài chính - giao dịch quốc tế. Đường này cũng nằm trong khu vực trung tâm hành chính, công trình công cộng cấp thành phố. Trụ sở HĐNH - UBND TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở kế hoạch và đầu tư cùng nằm trên tuyến đường này.

Theo dự thảo bảng giá đất sửa đổi, tuyến đường này đoạn từ Phạm Hồng Thái đến Hai Bà Trưng giá đất được tính 579,5 triệu đồng/m2. So với bảng giá hiện hành, mỗi m2 đất tại đây tăng đến 463,6 triệu đồng. Với đoạn từ Hai Bà Trưng đến Tôn Đức Thắng, mức giá mới là 550 triệu đồng/m2, tăng đến 440 triệu đồng so với mỗi m2 áp dụng mức giá hiện tại.

Thực tế, theo các đơn vị môi giới nhà đất, giao dịch bất động sản trên tuyến đường này, đặc biệt là nhà mặt tiền, cực kỳ đắt đỏ. Mỗi thương vụ mua bán nhà mặt tiền đường Lê Thánh Tôn đều lên đến hàng trăm tỷ đồng. Còn mức giá khảo sát của Rever năm 2020, giá đất trung bình tại đường Lê Thánh Tôn từ 800 – 830 triệu/m2. Mức giá mới nhất Mogi tổng hợp trong tháng 7, giá nhà đất đường Lê Thánh Tôn giao dịch khoảng 662 triệu đồng/m2.

Đường Lê Duẩn: 550 triệu đồng/m2

Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8- Ảnh 5.
Loạt tòa nhà văn phòng hạng sang dọc đường Lê Duẩn ở trung tâm Quận 1, TP.HCM. (Ảnh: TL)

Đường Lê Duẩn dài khoảng 1,5km là tuyến đường đắc địa tại trung tâm TP.HCM ở phường Bến Nghé, Quận 1. Con đường có điểm đầu từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trước Hội trường Thống Nhất, giao với các đường Pasteur, Phạm Ngọc Thạch - Công trường Công xã Paris, Hai Bà Trưng, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng, kết thúc ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay trước Thảo Cầm Viên.

Đây là một trong những đại lộ đầu tiên tại TP.HCM được người Pháp quy hoạch. Con đường thẳng tắp nối Thảo Cầm Viên và Dinh Thống Nhất, xuyên qua công viên 30/4 rợp bóng cây xanh. Năm 1986, UBND TP.HCM đổi tên thành đường Lê Duẩn, là một trong những con đường rất thoáng đãng và đặc biệt không bị kẹt xe.

Hai bên đường Lê Duẩn là một loạt các công trình hiện đại, trụ sở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Pháp, Đức... và Trường đại học KHXH &NV TP.HCM - Đại học Văn khoa nổi tiếng xưa. Nhiều tòa nhà văn phòng hạng A, A+ hiện đại quy tụ trên đường này như Petro Vietnam Tower, Central Plaza, Saigon Tower, Techcombank Saigon Tower, Diamond Plaza, Ngôi nhà Đức, Frendship Tower..

Vị trí đắc địa nên giá đất ở đường Lê Duẩn cũng thuộc dạng nóng nhất thành phố. Theo bảng giá đất mới dự kiến từ 1/8, giá đất áp dụng cho toàn đường Lê Duẩn là 550 triệu đồng/m2, trong khi mức giá hiện hành là 110 triệu đồng/m2. Cũng như một số tuyến đường đặc biệt ở khu trung tâm, các đơn vị môi giới cho biết phần lớn giao dịch trên đường này là văn phòng cho thuê.

Đường Tôn Đức Thắng: 446,6-528 triệu đồng/m2

Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8- Ảnh 6.
Đường Tôn Đức Thắng đoạn giáp với phố đi bộ Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng với loạt công trình hiện đại. (Ảnh: LQ)

Theo bảng giá đất mới dự kiến áp dụng từ 1/8 của TP.HCM, giá đất đường Tôn Đức Thắng Quận 1, đoạn từ Lê Duẩn đến Công Trường Mê Linh có giá 446,5 triệu đồng/m2, đoạn Công Trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành giá 528 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn giá theo Quyết định 02 tương ứng hơn 357 triệu đồng/m2 và 422 triệu đồng/m2. Mức giá đất dự kiến áp dụng của TP.HCM thậm chí còn cao hơn giá khảo sát của Rever năm 2020, với trung bình 400 – 500 triệu/m2.

Đường Tôn Đức Thắng cũng là một tuyến đường lâu đời có vị trị đắc địa tại trung tâm TP.HCM. Đây là cung đường huyết mạch của Quận 1 dài khoảng 3 km chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn, từ cầu Khánh Hội đến đường Lê Duẩn, đối diện bờ Tây là Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Giá bất động sản trên trục đường rất đắt đỏ bởi loạt công trình giao thông ngàn tỷ đã và đang đưa vào vận hành kết nối với tuyến đường này, như cầu Ba Sơn, ga ngầm Ba Son.

Đường Tôn Đức Thắng hiện cũng là địa chỉ của dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên ở TP.HCM Grand Marina Saigon và loạt tòa nhà văn phòng lớn như The Nexus Tower, LIM Tower, Saigon Trade Center, Saigon Riverside Office, The Waterfront Saigon... cùng các khách sạn siêu sang Le Méridien Saigon, Riverside Sài Gòn, Liberty Central Sài Gòn Riverside...

Đường Tôn Đức Thắng trước đây được biết đến với 4 hàng cây xà cừ cổ thụ rợp bóng mát có tuổi hơn một thế kỷ. Năm 2017, để xây dựng cầu Ba Son, hàng cây đã bị đốn hạ, di dời.

Đường Hàm Nghi: 506 triệu đồng/m2

Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8- Ảnh 7.
Bất động sản đường Hàm Nghi luôn nằm trong tốp đắt đỏ và được săn lùng ở trung tâm TP.HCM. (Ảnh: TL)

Trong danh sách các con đường có giá đất đắt đỏ nhất khi trung tâm TP.HCM luôn có đường Hàm Nghi. Đường Hàm Nghi trước đây là đại lộ Hàm Nghi, dài chỉ gần 1 km, giáp với nhiều con đường đắt đỏ ở khu trung tâm Quận 1 như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Tôn Thất Đạm, Hồ Tùng Mậu, Hải Triều. Con đường có điểm đầu nối từ đường Lê Lai gần chợ Bến Thành, điểm cuối đi ra phía sông Sài Gòn nối với Tôn Đức Thắng.

Hàm Nghi là một trong những con đường xưa và rộng nhất TP.HCM, dọc hai bên đường này có nhiều tòa nhà văn phòng hạng sang như Doji Tower, Havana Tower, VietinBank Tower... Bất động sản trên đường này luôn được săn đón dù giá rất đắc đỏ. Theo bảng giá đất dự kiến áp dụng từ khi Luật đất đai có hiệu lực, giá đất toàn đường Hàm Nghi là 506 triệu đồng/m2, cao hơn giá đang áp dụng theo Quyết định 02 đến hơn 400 triệu đồng/m2.

Thực tế, các khảo sát từ nhiều năm trước cho thấy giá đất khu vực này luôn trên 500 triệu đồng/m2. Trong khảo sát giá đất Quận 1 của Rever năm 2020, giá đất đường Hàm Nghi là 650 – 710 triệu/m2. Còn khảo sát của Mogi trong tháng 7/2024, giá đất tại đường này giảm 15,4%, ở mức 529 triệu đồng/m2.

Trong bảng giá đất điều chỉnh, khu trung tâm Quận 1 có hàng loạt tuyến đường giá trên 400 triệu đồng/m2, tăng gấp nhiều lần so với mức giá hiện hành, như đường Đông Du giá 440 triệu đồng/m2; đường Hai Bà Trưng đoạn từ Bến Bạch Đằng đến Nguyễn Thị Minh Khai 484 triệu đồng/m2. Hay đường Huỳnh Thúc Kháng đoạn từ Nguyễn Huệ đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa 462 triệu đồng/m2.

Đường Hàn Thuyên bên hông Nhà thờ Đức Bà, giá đất mới cũng ở mức 462 triệu đồng/m2. Đường Hồ Huấn Nghiệp cũng có giá đất 462 triệu đồng/m2; đường Lý Tự Trọng - đoạn từ Ngã 6 Phù Đổng đến Hai Bà Trưng - giá đất mới lên 506 triệu đồng/m2, trong khi giá cũ 101,2 triệu đồng/m2.

Khảo sát của Mogi trong tháng 7, giá đất tại Quận 1 giao dịch cao nhất ở đường Lý Tự Trọng phường Bến Thành, với 975 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Trãi, phường Bến Thành 923 triệu đồng/m2; đường Phạm Hồng Thái phường Bến Thành 882 triệu đồng/m2, đường Lê Lai phường Bến Thành 794 triệu đồng/m2, đường Hai Bà Trưng phường Bến Nghé giao dịch 790 triệu đồng/m2.

Theo VTC News
https://vtcnews.vn/nhung-con-duong-dat-nhat-tp-hcm-sau-ngay-1-8-ar885975.html
Copy Link
https://vtcnews.vn/nhung-con-duong-dat-nhat-tp-hcm-sau-ngay-1-8-ar885975.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những con đường đắt nhất TP.HCM sau ngày 1/8