Các chính sách hạn chế di cư, thắt chặt thị trường lao động ở nước ngoài đang thúc đẩy du học sinh người Trung Quốc trở về nước.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy “bị thừa thãi” trước sự thay đổi nhanh chóng ở quê hương.
Trong những thập kỷ trước đây, du học sinh Trung Quốc về nước được săn đón trên thị trường lao động do trình độ ngoại ngữ cao, khả năng thích ứng tốt với công việc và kỹ năng làm việc quốc tế. Tuy nhiên, xu hướng này không còn phù hợp với Trung Quốc hiện nay. Du học sinh phải đối mặt với nhiều trở ngại tại quê hương.
Du học sinh về nước được gọi là “haifei”, phản ánh nỗi lo lắng, đấu tranh và hoàn cảnh éo le của thế hệ trẻ Trung Quốc. Họ cảm thấy lãng phí thời gian, kỹ năng của bản thân do các vấn đề liên quan đến việc làm như tìm việc, không phù hợp với nhu cầu thị trường, mức lương không như kì vọng.
Ngoài ra, xu hướng quốc tế hoá giáo dục trong nước cũng ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của các du học sinh. Trung Quốc đang đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, đưa các trường đại học hàng đầu như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh ra thế giới. Điều này phần nào khiến bằng cấp của du học sinh không còn được các doanh nghiệp đánh giá cao như trước đây. Trong khi đó, bằng cấp trong nước ngày càng tăng sức nặng.
Vì những lý do trên, các nhóm “haifei” đang tìm cách xoay xở. Một số người bất mãn nên không tìm việc làm, sống dựa vào gia đình. Số khác tìm cách định cư ở nước ngoài. Dù thế nào, những hành vi của họ có điểm chung là ngừng cống hiến và đóng góp cho đất nước.
Để giải quyết tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần tìm cách hỗ trợ sinh viên quốc tế. Từ khi sinh viên ở nước ngoài, chính phủ, các tổ chức trong nước cần kết nối chặt chẽ với họ thông qua các diễn đàn, hội sinh viên; tận dụng mạng lưới cựu sinh viên và người nước ngoài để hỗ trợ sinh viên khi về nước. Cần cập nhật liên tục về xu hướng thị trường lao động trong nước, cơ hội và thách thức, yêu cầu của các doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, những sinh viên chuẩn bị về nước cần chuẩn bị tâm thế, kỹ năng và kiến thức vững vàng để không bị “sốc” văn hóa. Họ cần chuẩn bị thích nghi trở lại với cuộc sống và môi trường văn hóa, xã hội ở quê hương; kết nối với những mối quan hệ trong nước; chủ động tìm hiểu thị trường việc làm, doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, du học sinh cần bỏ qua suy nghĩ là bằng cấp quốc tế sẽ được đánh giá cao hơn bằng cấp trong nước vì đất nước đã “chuyển mình”. Ngay cả du học nước ngoài, khi về nước, người trẻ cần không ngừng nỗ lực, phát triển chuyên môn, chứng minh kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm việc làm.
Những người hồi hương cũng thất vọng vì thực tế khác xa so với với tưởng tượng, kì vọng của họ. Đơn cử, tìm được một công việc ổn định không còn là mục tiêu lớn nhất. Thay vào đó, họ phải tìm công việc lương cao để mua nhà ở thành phố lớn hoặc để kết hôn.