Theo đó, hàng ngày mỗi phụ huynh sẽ đóng góp ít củi cho nhà trường. Giáo viên chịu trách nhiệm đốt lửa, sưởi ấm, nhất là vào ban đêm để học sinh nội trú tránh rét. Tuy có vất vả khi phải trông coi bếp lửa, song các thầy cô giáo cũng thấy ấm lòng khi nhận lại được sự tin yêu, đặc biệt là tinh thần hiếu học của học trò.
Sự chăm sóc chu đáo, ân ần, tỉ mỉ của thầy, cô giáo được phụ huynh ghi nhận, tin tưởng. Vì thế, phụ huynh đồng tình, hưởng ứng và động viên con em mình đến trường đầy đủ, chăm chỉ học tập. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần luôn bảo đảm, dù thời tiết có giá lạnh.
Để thuận lợi cho việc dạy – học trong thời tiết khắc nghiệt, nhiều địa phương, trường học đã điều chỉnh thời gian vào lớp. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã được triển khai, áp dụng đúng và trúng đối tượng.
Cũng nhờ chính sách này mà sau mỗi buổi học, thay vì học sinh phải băng rừng, lội suối để “ngược sơn” về nhà, các em được ở lại trường, trong những căn phòng ấm áp có đủ những điều kiện phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Đây là ngôi nhà thứ 2 của học sinh vùng cao và các em sẽ vững bước đi lên từ chính nơi này.