Những điều sinh viên năm cuối cần biết

Ngô Chuyên | 10/09/2022, 06:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngoài chú trọng kiến thức, nhiều trường đại học còn tập trung giúp sinh viên năm cuối phát triển các kỹ năng và đề cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Đặt mục tiêu học tập rõ ràng

Phạm Quang Khải (công tác tại Bệnh viện E) là một trong ba học sinh Điện Biên đỗ vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2013. Vào được trường đại học mong muốn, Khải đã “tự thưởng” cho bản thân một thời gian xả hơi. Tuy nhiên, suy nghĩ đó đã khiến Khải trượt dài theo niềm vui của sinh viên mà quên nhiệm vụ học tập dẫn đến hổng kiến thức.

Trước mỗi kỳ thi hết môn, Khải mới xem qua giáo trình, mượn vở ghi chép của bạn để ôn lại với mục đích thi qua môn. “Đến cuối năm hai, bắt đầu thời gian đi trực tại các bệnh viện, em nhận thấy kiến thức lý thuyết bị hổng, rất khó khăn khi thực hành”, Khải chia sẻ.

Nhận thấy khả năng cao sẽ không ra được trường, chưa tính đến việc hành nghề, Khải quyết định thay đổi bản thân, đặt mục tiêu rõ ràng cho mỗi môn học. Hàng ngày, Khải miệt mài lên giảng đường, chú tâm nghe giảng. Đêm về để bù lấp lại những phần kiến thức đã bị hổng trước đó qua việc tìm giáo trình, tài liệu để học. Không những vậy, Khải cố gắng rèn luyện tiếng Anh để nghiên cứu tài liệu nước ngoài.

Sinh viên năm cuối cần thêm gì? ảnh 1
PGS.TS Lê Thị Trinh.

Cuối năm ba, khi thành tích được cải thiện, Khải mạnh dạn tìm đến thầy giáo xin được đi học việc tại các bệnh viện, phòng khám. Mùa hè năm thứ 4 và 5 thay vì về quê, Khải đến các bệnh viện để học việc. Cũng nhờ vậy mà sau khi tốt nghiệp, Khải có cơ hội về Bệnh viện E làm việc.

Bác sỹ Khải chia sẻ: “Lượng kiến thức ở bậc đại học gấp nhiều lần so với học phổ thông. Nếu có kế hoạch, mục tiêu học tập cụ thể ngay từ năm nhất sẽ giảm được gánh nặng rất nhiều cho năm cuối. Bởi lúc này, sinh viên tập trung đi thực tập học hỏi kinh nghiệm và dành thời gian tìm kiếm việc làm. Những kinh nghiệm của năm cuối rất quan trọng, đó là hành trang để khi đi làm không bị bỡ ngỡ, cơ hội tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành mở rộng hơn”.

PGS.TS Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên Môi Trường Hà Nội cho biết: “Đối với sinh viên năm cuối, ngoài hành trang kiến thức vững chắc cần trang bị thêm khả năng ngoại ngữ, kỹ năng về khởi nghiệp, xin việc. Đặc biệt, các em cần rèn luyện cho bản thân tính kỷ luật, làm việc nhóm, lập kế hoạch. Khi có kế hoạch cụ thể, các em sẽ kiểm soát được tiến độ và xử lý công việc hiệu quả hơn.

Lưu ý, thời gian thực tập tại các doanh nghiệp, đơn vị là cơ hội để các em vận dụng kiến thức học được ở giảng đường vào công việc, phát huy kỹ năng làm việc nhóm, tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Những đánh giá trong quá trình thực tập giúp mỗi cá nhân điều chỉnh, hoàn thiện bản thân trước khi ra trường. Những sinh viên có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống tốt sẽ là điểm cộng trước nhà tuyển dụng, bởi thông qua đó các em thể hiện được hiểu biết, quan điểm, chính kiến của mình. “Năm cuối, các em cần cập nhật, tiếp cận thông tin về nguồn nhân lực, lưu tâm đến các luật lao động, công chức, viên chức, luật thương mại, an ninh mạng… để vận dụng ngay sau khi tốt nghiệp”, PGS Lê Thị Trinh cho biết thêm.

Sinh viên năm cuối cần thêm gì? ảnh 2
Đội ngũ tư vấn tuyển dụng của Công ty Cổ phần MISA tại ngày hội việc làm ở Trường ĐH Thủy Lợi.

Nhà tuyển dụng lên tiếng

Hàng năm, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều công ty, doanh nghiệp đã đặt hàng hoặc trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng phỏng vấn tuyển dụng nhân sự.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Phát triển kinh doanh, Công ty cổ phần MISA (chuyên về các giải pháp phần mềm và công nghệ thông tin) cho biết: “Đối với nhiều nhà tuyển dụng khi lựa chọn nhân sự thường đưa ra bốn tiêu chí (kiến thức, kỹ năng, thái độ, thể chất). Ở công ty chúng tôi có 2 vị trí liên quan đến kế toán: Nhân viên kế toán và nhân viên kinh doanh phần mềm kế toán thì yêu cầu về chuyên môn kế toán ở vị trí nhân viên kế toán sẽ cao hơn, sâu hơn.

Vị trí nhân viên kinh doanh phần mềm kế toán chỉ cần ứng viên có kiến thức cơ bản về nguyên lý kế toán thôi. Vì thế, chuyên môn là yếu tố, nhiệm vụ quan trọng mà sinh viên cần phải quan tâm, đầu tư, tập trung trong quá trình học tập tại trường. Nếu hai ứng viên xuất phát điểm như nhau về chuyên môn nhưng có em được tuyển dụng, em không do có sự khác nhau về kỹ năng và thái độ thể hiện khi tham gia tuyển dụng”.

Bà Bình nói thêm, hiện các trường đại học rất quan tâm đến việc phát triển kỹ năng của sinh viên thông qua buổi thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… ở tất cả môn học. Đồng thời, trường cũng liên kết với các doanh nghiệp để sinh viên được thực hành, cọ sát với thực tế qua đó đánh giá được năng lực, nhu cầu việc làm trong ngành nghề mình đang học. Vì vậy, sinh viên nên tận dụng cơ hội này một cách triệt để để hình thành kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân mình.

Hiện nay, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến, là yếu tố bắt buộc phải có khi đi phỏng vấn. Ví dụ: Giữa 2 ứng viên có cùng trình độ, khả năng như nhau nếu ai có ngoại ngữ hoặc biết nhiều ngoại ngữ chắc chắn sẽ nắm ưu thế. Ngoài tiếng Anh thì ngôn ngữ của các quốc gia Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên sau khi tốt nghiệp trong việc tìm kiếm công việc có thu nhập cao. - PGS.TS Lê Thị Trinh

Bài liên quan
Sinh viên năm cuối được kết hợp học online và trực tiếp
Gần nửa năm học online vì dịch COVID-19, thời điểm này nhiều sinh viên bày tỏ mong muốn được trở lại trường học để hoàn thiện bài thực hành chuẩn bị cho các kỳ thi, đợt bảo vệ khoá luận sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều sinh viên năm cuối cần biết