Những kết quả nổi bật thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục - Đào tạo

Hải Bình | 11/10/2022, 11:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ GD&ĐT về thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 có nội dung về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH.

Các cơ sở giáo dục ĐH đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính. Đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.

Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Liên kết với thị trường lao động, đào tạo đi vào thực chất; tăng cường kiểm soát các khoản chi, gia tăng tiết kiệm, bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn lực.

Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các cơ sở giáo dục ĐH cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học. Cùng với đó, đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục.

Có thể thấy, tự chủ ĐH đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm. Thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.

Nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm hơn 3,5 lần sau 4 năm. Số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở giáo dục ĐH tăng thêm hơn 4 lần.

Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.

Những kết quả nổi bật thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục - Đào tạo  ảnh 3

Thầy trò Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Mục tiêu nhằm thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành Giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. Ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026.

Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026; ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022 - 2023.

Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục

Thời gian qua, ngành Giáo dục cũng tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT. Hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số được xây dựng. Các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến được tăng cường. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động dạy, học, kiểm tra đánh giá.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức kết nối, xác thực và định danh của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể, đã xác thực và định danh được khoảng 800.000/900.000 hồ sơ học sinh học lớp 12 năm học 2021-2022 trên cơ sở dữ liệu ngành. Đã xác thực, định danh được khoảng 15 triệu/22 triệu trẻ em, học sinh từ mầm non đến lớp 11. Kết nối, đồng bộ và chia sẻ thành công dữ liệu của 1,4 triệu/1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý trong cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kết nối thành công Hệ thống phần mềm quản lý thi của Bộ GD&ĐT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng ổn định. Hoàn thành tích hợp, công khai Dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký xét tuyển trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non năm 2022” trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành với gần 5.000 bài giảng E-leaming, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông.

Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới

Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp quản lý trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận 51-KL/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ ĐH, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính.

Tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ. Xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với các nhiệm vụ chiến lược của ngành. Chú trọng đến chuyển đổi số, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong các cơ sở GD&ĐT.

Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau THCS; xây dựng xã hội học tập.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT. Tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-ket-qua-noi-bat-thuc-hien-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dao-tao-post611222.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-ket-qua-noi-bat-thuc-hien-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dao-tao-post611222.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những kết quả nổi bật thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục - Đào tạo