Những kỹ năng Địa lí giúp làm bài thi tốt nghiệp THPT

26/03/2024, 21:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong đề tham khảo có tới 19 câu hỏi kỹ năng Địa lí. Do đó, luyện tập tốt phần này là hết sức quan trọng để làm tốt bài thi Địa lí tốt nghiệp THPT.

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên Huế nhận định: Về cơ bản, đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí năm 2024 giữ ổn định cấu trúc như năm 2023.

Đề thi bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, đề có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn.

Trong đề tham khảo, số lượng câu hỏi phần kỹ năng Địa lí chiếm tới 19 câu (kỹ năng Atlat 15 câu, bảng số liệu 2 câu, biểu đồ 2 câu).

Vì vậy, trong quá trình ôn tập, đặc biệt là đối với học sinh trung bình, yếu thì việc luyện tập tốt phần kỹ năng là hết sức quan trọng để có thể đạt được điểm trung bình trở lên khi làm bài.

Cụ thể, yêu cầu học sinh cần phải thuần thục các kỹ năng sử dụng Atlat (tìm, xác định đối tượng địa lí, nhận xét, so sánh các đối tượng địa lí trên Atlat), nhận xét bảng số liệu, biểu đồ, chọn dạng biểu đồ phù hợp, xác định được nội dung biểu đồ, xử lý số liệu để có thể chọn được đáp án chính xác và nhanh chóng.

Học sinh cũng cần nắm kiến thức cơ bản ở tất cả các bài, không nên học tủ ở bất kỳ bài nào. Bên cạnh đó, cần biết liên hệ các vấn đề thực tiễn cuộc sống để có thể trả lời các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao.

Cô Nguyễn Thị Ninh, giáo viên Trường THCS - THPT Phenikaa thì cho biết: Đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Địa lí gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, thời gian làm bài là 50 phút.

Trong đó có 15 câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam, 4 câu hỏi kỹ năng về bảng số liệu và biểu đồ và 21 câu lý thuyết về các chủ đề như địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí kinh tế và các vùng kinh tế của Việt Nam.

Nội dung kiến thức chủ yếu thuộc chương trình Địa lí 12. Đề thi được đánh giá có mức độ phân hóa cao, với nhiều câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao (25%).

Đưa ra một số lưu ý khi ôn tập và làm bài thi, cô Nguyễn Thị Ninh nhấn mạnh, trước tiên, thí sinh cần nắm vững kiến thức Địa lí 12 và rèn luyện các kỹ năng địa lí như kỹ năng sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam, kỹ năng làm việc với bảng số liệu và biểu đồ.

Với lượng kiến thức tương đối lớn như vậy, học sinh nên lập kế hoạch ôn tập cụ thể bằng cách chia nhỏ nội dung ôn tập thành các phần nhỏ và học theo thời gian biểu hợp lý.

Đồng thời, các em cần biết cách xác định từ khóa, học lý thuyết gắn với bản đồ và kênh hình để nhớ được kiến thức nhanh và lâu hơn, tránh tình trạng học tủ nhưng không hiểu bản chất.

Ở giai đoạn nước rút, học sinh cần tăng cường luyện đề, rèn luyện kỹ năng làm bài, thử sức với nhiều dạng câu hỏi để có được phản xạ tốt lúc làm bài thi.

Khi làm bài thi, cần giữ tâm lý bình tĩnh và tự tin khi làm bài. Ngoài ra, các em cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho kỳ thi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những kỹ năng Địa lí giúp làm bài thi tốt nghiệp THPT