Sức khỏe

Những lưu ý quan trọng để xử lý trẻ bị đuối nước

Phạm Hoa 24/06/2024 08:12

(GDTĐ) - Mùa hè là một trong những thời điểm oi bức nên nhiều gia đình có xu hướng đưa trẻ đi bơi, đi tắm biển để “giải nhiệt”. Điều này làm tăng nguy cơ trẻ bị đuối nước, dù trẻ có biết bơi hay không. Vậy khi trẻ bị đuối nước thì nên sơ cứu như thế nào?

Nhận biết dấu hiệu đuối nước

Nhiều người nghĩ rằng người bị đuối nước sẽ vùng vẫy và la hét cầu cứu, nhưng thực tế không phải vậy, đặc biệt là với trẻ em. Thay vào đó, trẻ bị đuối nước thường có những dấu hiệu sau:

Im lặng hoặc thở hổn hển: Người sắp chết đuối sẽ không thể kêu cứu mà thường thở hổn hển. Nhìn vào nét mặt của trẻ sẽ thấy sự hoảng loạn hoặc sợ hãi.

Đầu ngửa ra sau: Người bị đuối nước thường có xu hướng ngửa đầu ra sau để tránh nước vào miệng và mũi.

Cánh tay đẩy xuống: Khi bị đuối nước, trẻ sẽ cố gắng nắm lấy một vật gì đó chắc chắn và sẽ thực hiện các động tác cánh tay giống như đang đẩy khỏi bàn khi đứng lên hoặc đặt tay xuống đất khi đứng lên khỏi sàn.

Nổi úp mặt: Nếu ai đó nằm ngang và úp mặt xuống hồ bơi trong hơn 30 giây, đó thường là dấu hiệu bị đuối nước. Trẻ em cũng sẽ có phản ứng tương tự.

Không thể ngoi lên sau khi lặn: Nhảy xuống nước và không ngoi lên được là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi tể bị đuối nước.

Nếu bạn nhìn thấy những dấu hiệu này và bạn biết bơi, hồ nước cạn, có thể giải cứu và đưa trẻ ra khỏi nguy hiểm một cách an toàn, hãy làm ngay lập tức.

Ngược lại, nếu bạn không phải là người bơi giỏi hoặc vùng nước không an toàn, hãy hét lên để gọi nhân viên cứu hộ và ném cho trẻ phao hay một món đồ nổi như dây thòng lọng, sào dài, áo,…) để trẻ bám vào. Trường hợp có nhiều trẻ bị đuối nước, ưu tiên hỗ trợ theo nguyên tắc trẻ gần bờ trước, trẻ có sức khỏe yếu trước, trẻ nhỏ tuổi hơn trước,…

Và cần lưu ý cần thực hiện ngay khi thấy trẻ bị đuối nước bởi những hậu quả nghiêm trọng có thể diễn ra chỉ trong vài giây.

Những vấn đề sức khỏe nào có thể xảy ra sau khi trẻ bị đuối nước?

Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) là một tình trạng đột ngột và rất nghiêm trọng xảy ra khi phổi sưng lên và chứa đầy chất lỏng. Tình trạng này gây khó thở nghiêm trọng và có thể dẫn đến suy hô hấp. Suy hô hấp có nghĩa là trẻ không thể thở đủ tốt để đưa oxy đến các tế bào của cơ thể.

Ngoài ra, trẻ bị đuối nước còn có thể bị phù não – tình trạng sưng tấy do tích tụ chất lỏng trong não. Phù não có thể được gây ra bởi tổn thương tế bào não xảy ra do thiếu oxy trong một thời gian dài. Tình trạng trẻ bị đuối nước cũng có thể khiến cho trẻ bị hạ thân nhiệt do nhiệt độ cơ thể giảm xuống quá thấp trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, đuối nước còn có thể khiến trẻ bị viêm phổi, suy đa tạng và gây tử vong.

Hướng dẫn cách sơ cấp cứu khi trẻ bị đuối nước

Sau khi kéo trẻ bị đuối nước ra khỏi nước, hãy đánh giá xem trẻ có khó thở hay bất tỉnh hay không. Trong khi chờ đội ngũ y tế đến cấp cứu, cần thực hiện sơ cứu cho trẻ theo các bước sau:

Kiểm tra nhịp thở bằng cách đặt tai gần miệng và mũi của trẻ và xem bạn có cảm thấy không khí từ mũi và miệng của trẻ hoặc thấy ngực trẻ chuyển động không.

Nếu trẻ không thở, hãy hô hấp nhân tạo bằng cách đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt chắc chắn, nghiêng đầu trẻ ra sau và nâng cằm đủ để mở hàm.

Tháo bỏ thắt lưng, trang sức, áo khoác,… trên người trẻ.

Bịt mũi lại và đặt miệng của bạn lên miệng trẻ, đảm bảo bịt chặt và thổi đều vào miệng trẻ trong một giây. Lặp lại lần thứ hai.

Bắt đầu ấn ngực bằng cách đặt gót bàn tay của bạn vào giữa ngực, giữa hai núm vú, đặt tay kia lên trên. Nhấn mạnh xuống 1/3 độ sâu của ngực, sau đó để ngực nhô lên trở lại. Thực hiện 30 lần với tốc độ 100 lần ấn mỗi phút.

Lặp lại 2 lần thở rồi 30 lần ấn cho đến khi có xe cấp cứu và nhân viên y tế đến hỗ trợ.

image(3).png

Một số lưu ý khi sơ cấp cứu cho trẻ bị đuối nước

Đuối nước là một tình trạng vô cùng nguy cấp và việc thực hiện đúng cách là vô cùng quan trọng. Vì thế, cần nắm vững các lưu ý dưới đây để thực hiện trong trường hợp không may khiến trẻ bị đuối nước:

Đánh giá tình huống chỗ trẻ bị đuối nước xem bạn có thể đưa trẻ lên bờ hay không. Nếu không, hãy nhờ sự trợ giúp thay vì cố gắng bởi điều này có thể khiến bạn bị ngạt nước cùng với trẻ.

Nhiều trường hợp bị đuối nước có thể trào ra các chất trong dạ dày, vì vậy hãy chuẩn bị đặt trẻ nằm nghiêng để thông đường thở.

Nếu có thể, lấy chăn che để giữ ấm cho trẻ hoặc thay quần áo khô cho trẻ.

Không ép vào bụng trẻ vì điều này dễ gây trào ngược dạ dày, tăng nguy cơ hít sặc.

Không trút ngược người của trẻ xuống.

Phòng tránh đuối nước

Để phòng tránh tai nạn thương tâm do đuối nước xảy ra, cần lưu ý:

Không bao giờ được bỏ mặc trẻ em khi ở trong hoặc gần nước.

Khuyến khích sử dụng áo phao cho tất cả trẻ em khi chèo thuyền hoặc tham gia các hoạt động dưới nước.

Dạy bơi cho trẻ.

Sơ cứu trẻ bị đuối nước đúng cách giúp tăng cơ hội sống sót cho trẻ khi tai nạn xảy đến. Bố mẹ, người thân của trẻ cần học cách để sơ cứu đuối nước đúng kỹ thuật. Vì thế, hãy lưu ý để nắm được các nguyên tắc khi sơ cứu đuối nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lưu ý quan trọng để xử lý trẻ bị đuối nước