Những lưu ý thí sinh cần biết khi làm phần thi Nghị luận xã hội

Ngô Chuyên (ghi) | 29/04/2023, 12:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một trong những phần thi mà thí sinh dễ mắc lỗi nhất trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT chính là bài thi nghị luận xã hội.

Kỹ năng đảm bảo hình thức đoạn văn: Đoạn văn phải đảm bảo đúng dung lượng theo yêu cầu của đề bài, thông thường đề văn yêu cầu 200 chữ (khoảng 20 tới 23 dòng), tránh viết quá dài hoặc quá ngắn.

Đoạn văn có thể tùy ý lựa chọn các cấu trúc: song hành, móc xích, quy nạp, diễn dịch hay tổng phân hợp... nhưng phải đúng cấu trúc đoạn văn (không xuống dòng giữa đoạn; đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái viết hoa và lùi vào một chữ ở đầu dòng, kết thúc bằng dấu ngắt câu (có thể là dấu chấm, chấm than, ba chấm hoặc chấm hỏi tùy theo kiểu câu phù hợp với nội dung kết đoạn).

Kỹ năng đảm bảo cấu trúc chung của đoạn văn, cũng như kết hợp sử dụng các thao tác lập luận để làm rõ vấn đề. Mở đoạn (khoảng 1 -2 câu): Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề nghị luận xã hội. Có hai cách mở đoạn: trực tiếp và gián tiếp (nhưng phải đảm bảo yêu cầu giới thiệu vấn đề một cách trọng tâm, ngắn gọn và tự nhiên, sáng tạo).

Những lưu ý thí sinh cần biết khi làm phần thi Nghị luận xã hội ảnh 1
Cô Ngô Thị Thuý Nga luôn cố gắng dành tâm huyết của mình để giảng dạy cho học sinh.

Lưu ý: phần mở đoạn sẽ tạo sự chú ý với người đọc, người viết có thể mở đoạn bằng cách trích danh ngôn có nội dung, ý nghĩa đúng với vấn đề trọng tâm cần nghị luận hoặc mở đoạn bằng cách đặt câu hỏi.

Thân đoạn (Khoảng 10 – 12 câu): Giải thích khái niệm/nghĩa đen, nghĩa bóng... (nếu có).

Nếu là hiện tượng đời sống, thông thường có thể triển khai theo các nội dung: Thực trạng/ý nghĩa, Hậu quả/vai trò.

Nguyên nhân: Khách quan, chủ quan/gia đình, nhà trường, xã hội, bản thân...

Giải pháp: Tùy thuộc vào từng yêu cầu cụ thể mà các em cần linh động lựa chọn dung lượng phân tích phù hợp cho từng nội dung.

Nếu là Nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý thì phụ thuộc vào vấn đề trọng tâm, chúng ta giải thích khái niệm (nếu có), phân tích vấn đề trọng tâm cần nghị luận thành các luận điểm/luận cứ, sau đó chứng minh, bình luận, bác bỏ phản biện...để làm rõ vấn đề, đưa ra nhận thức đúng đắn về vấn đề vừa bàn luận.

Kết đoạn (1 - 3 câu): Khái quát vấn đề, từ đó nêu ra được bài học nhận thức và hành động, bày tỏ suy nghĩ riêng của người viết, tạo khoảng trống để người đọc suy ngẫm... Kết bài cũng có thể mượn câu danh ngôn, câu thơ… phù hợp với nội dung trọng tâm của vấn đề cần nghị luận.

Lưu ý khi làm bài văn nghị luận xã hội

Thí sinh cần đưa ra dẫn chứng đưa ra cần cụ thể, tránh chung chung, tiêu biểu, vừa đủ. Và cần lồng ghép dẫn chứng thật khéo léo, phù hợp.

Lý lẽ phải đủ sức thuyết phục, đảm bảo tính chân thực, phản ánh đúng quy luật tâm lý con người, lập luận chặt chẽ

Quan điểm, đánh giá của bản thân cần xác đáng, sâu sắc, thể hiện rõ quan điểm lập trường, thể hiện rõ cái tôi của người viết (đồng tình, không đồng tình, ca ngợi, phê phán,...).

Diễn đạt trong sáng dễ hiểu, tự nhiên, linh hoạt, ngắn gọn, súc tích, lời văn có sự kết hợp giữa lý và tình, tránh lặp, lan man, dài dòng, lủng củng, tối nghĩa.

Triển khai ý một cách rõ ràng, mạch lạc, khoa học tuân thủ theo những thao tác kỹ năng, trình tự sắp xếp các luận điểm, luận cứ, liên kết chặt chẽ.

“Muốn làm được bài làm tốt, học sinh cần thu thập, tích lũy kiến thức về các hiện tượng đời sống xã hội như: nạn bạo lực học đường, bạo hành gia đình, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, cuộc đấu tranh chống nạn phá rừng, những tấm gương người tốt việc tốt...”, cô Ngô Thị Thuý Nga – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-luu-y-thi-sinh-can-biet-khi-lam-phan-thi-nghi-luan-xa-hoi-post636748.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-luu-y-thi-sinh-can-biet-khi-lam-phan-thi-nghi-luan-xa-hoi-post636748.html
Bài liên quan
Tăng cường luyện kỹ năng làm bài thi tiếng Anh
Cô giáo Trương Thị Bích Ngọc, tổ trưởng tổ Tiếng Anh của trường chia sẻ việc học ôn hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lưu ý thí sinh cần biết khi làm phần thi Nghị luận xã hội