Giáo dục

Những lưu ý ‘vàng’ cho bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 nếu muốn đạt điểm cao

28/05/2024 21:40

Các giáo viên dạy môn ngữ Văn ở Hà Nội, chia sẻ cách ôn tập, làm bài thi giúp học sinh tự tin trước kỳ tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội.

Sức nóng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại Hà Nội khiến cho không ít thí sinh cảm thấy áp lực. Trước kỳ thi này, cô giáo Đình Thị Thủy- giáo viên dạy văn của trường phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) đã đưa ra một số lưu ý cho thí sinh làm bài thi môn Văn.

Thời điểm làm bài thi sắp đến, đây là giai đoạn các em cần sự bình tĩnh, giữ tâm thế thoải mái, tự tin.

Theo cô Thủy, để có thể đạt được điểm cao với môn Văn, các em nên tập trung vào một số yêu cầu.

Thứ nhất, học sinh cần hiểu rõ cấu trúc bài thi (theo công văn và đề thi minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội)

Thứ hai: Nắm rõ kĩ năng làm bài, kĩ năng trả lời từng loại/kiểu câu hỏi. Khi nắm chắc kĩ năng, phần trả lời câu hỏi của các em sẽ đảm bảo trúng trọng tâm, đúng, đủ ý.

Thứ ba: Tổng hợp lại các phạm trù, các vấn đề có thể ra trong phần viết đoạn Nghị luận xã hội, rà soát hệ thống ý, dẫn chứng có thể xuất hiện cho từng loại phạm trù/vấn đề.

Thứ tư: Rà soát kiến thức cơ bản, trọng tâm của các tác phẩm văn học trong chương trình. Giai đoạn này không đặt nặng việc tìm tòi những cách diễn đạt mới lạ, công phu, những ý mở rộng nâng cao (điều này các em cần tích lũy trong năm học). Các em có thể mở sách, vở ghi, lật từng bài, điểm lại trong đầu hoặc gạch ra giấy giá trị nội dung tư tưởng, nghệ thuật, phong cách nhà văn được thể hiện trong tác phẩm. Phân loại, hệ thống hóa các tác phẩm có điểm chung về: đề tài, nhân vật, tình huống, chi tiết, nghệ thuật khắc họa...(Đề thi các năm gần đây thường xuất hiện dạng câu hỏi ngắn: nêu tên truyện, nhân vật... có sự tương đồng)

Thứ năm: Hệ thống hóa kiến thức tiếng Việt: từ, câu, biện pháp tu từ, phép liên kết

Giáo viên này cũng cho rằng với từng phần của bài thi cũng sẽ có những yêu cầu riêng.

Ở phần đọc hiểu, học sinh cần đọc kĩ ngữ liệu, đọc kĩ câu hỏi, xác định đúng yêu cầu của câu hỏi. Câu trả lời cần đầy đủ, không cụt lủn.

Với phần đoạn nghị luận xã hội, học sinh đọc kĩ yêu cầu của đề, xác định trọng tâm vấn đề, gạch hệ thống ý cần triển khai ra giấy nháp trước khi viết.

Theo đó, mở đoạn phải nêu được vấn đề nghị luận; Thân đoạn phải đủ: Giải thích – phân tích - bàn luận (thể hiện cái nhìn toàn diện về vấn đề); Kết đoạn: bài học (phải có đủ nhận thức và hành động).

Cô Thủy cũng lưu ý, học sinh cần đọc kĩ yêu cầu của đề để phân tích, bàn luận tập trung vào vấn đề trọng tâm.

Luôn có dẫn chứng cho phần phân tích và bàn luận: dẫn chứng nên đảm bảo tính chất: cá nhân – cộng đồng; xưa – nay; lĩnh vực khoa học; kinh tế - nghệ thuật…để tạo tính sinh động, thuyết phục.

Nên kết hợp tư duy logic với tư duy hình ảnh (dùng hình ảnh, phép ẩn dụ, liên tưởng để tăng tính khái quát, sâu sắc cho nhận định). Nếu có thể, nên trích dẫn 1,2 câu danh ngôn để lập luận tăng tính thuyết phục, biểu cảm.

Giáo viên này cũng chỉ ra, ở phần đoạn nghị luận văn học cần đảm bảo cấu trúc: đoạn văn, đúng yêu cầu kiểu đoạn văn (Diễn dịch hay quy nạp hay tổng – phân - hợp).

Theo đó, mở đoạn học sinh phải nêu được vấn đề cần nghị luận

Với phần thân đoạn: Nghị luận (phân tích, bình luận, đánh giá) về vấn đề cần nghị luận mà đề yêu cầu (chú ý tập trung đúng đối đoạn ngữ liệu/nhân vật/đối tượng mà đề yêu cầu).

Giáo viên này cũng lưu ý, phân tích từ các phương diện nghệ thuật để ra nội dung, giá trị tư tưởng sẽ đảm bảo thuyết phục và đúng bản chất của việc phân tích, khám phá tác phẩm văn chương

Ở phần kết đoạn: Tùy từng yêu cầu của kiểu đoạn văn (Diễn dịch/Quy nạp/tổng – phân – hợp) mà có phần kết phù hợp.

Cô Nguyễn Ngọc Dung, giáo viên dạy môn Ngữ văn trường THCS ở Hà Nội, cho biết, để đạt được điểm cao môn Ngữ văn trong kì thi vào 10, học sinh phải thuộc thuộc thơ và đọc kĩ các tác phẩm truyện, nắm được dẫn chứng và có khả năng viết câu cú rõ ràng, mạch lạc.

Cũng theo cô Dung, ở phần I, đề bài là các tác phẩm trong sách giáo khoa. Các câu hỏi sẽ xoay quanh một số kiểu: câu hỏi thông tin chung về tác phẩm, như câu hỏi về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thể loại, ...

Dạng câu hỏi thứ 2: Liên quan đến cảm nhận cái hay, cái đẹp của một hình ảnh, một cách dùng từ.

Câu hỏi thứ 3 là câu hỏi viết đoạn văn.

Câu hỏi 4 là kiểu câu hỏi liên hệ. Các vấn đề có thể liên hệ là tác phẩm cùng đề tài, cùng chủ đề, hoặc có một từ ngữ, hình ảnh giống nhau.

Muốn làm tốt bài này cần hiểu rõ các nội dung liên quan đến tác phẩm, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của hình ảnh thơ. Đặc biệt là có kỹ năng viết đoạn văn.

Khi viết đoạn văn, các em cần nhớ được nội dung khái quát của đoạn, của khổ, tìm được những từ ngữ, hình ảnh thể hiện nội dung đó, phân tích, cảm nhận. Biết cách triển khai viết các đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp. Với phần nghị luận xã hội, con cần đọc kỹ để tìm ra vấn đề mà bài viết yêu cầu bày tỏ ý kiến. Đặt ra các câu hỏi: thế nào là?, tại sao?, ta cần làm gì?,... để có thể tìm ra ý triển khai cho đoạn văn.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/nhung-luu-y-vang-cho-bai-thi-mon-ngu-van-vao-lop-10-neu-muon-dat-diem-cao-c216a1571699.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/nhung-luu-y-vang-cho-bai-thi-mon-ngu-van-vao-lop-10-neu-muon-dat-diem-cao-c216a1571699.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lưu ý ‘vàng’ cho bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 nếu muốn đạt điểm cao