Những ‘ngã rẽ’ sau khi trượt lớp 10 công lập

07/07/2023, 06:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm học 2023 – 2024, hơn 33.000 em không có cơ hội vào trường công lập.

Anh Vũ Lương (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa quên cảm giác hoang mang, lo lắng khi biết tin con mình thi trượt trường THPT công lập ở Hà Nội năm 2018. Tuy nhiên, thay vì buồn rầu, đổ lỗi thì anh và vợ đã cùng nhau nghiên cứu các trường ngoài công lập để nộp hồ sơ cho con.

Anh Lương tâm sự: “Nói không buồn thì không đúng, nhưng tôi cũng cảm nhận được những áp lực mà con phải trải qua trong kỳ thi này. Nhìn con khép mình lại sau khi trượt trường công lập, tôi lo con sẽ trầm cảm mà nghĩ quẩn nên vợ chồng tôi đã chủ động lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của con’’.

Anh Vũ Lương cho biết, sau khi học một trường THPT ngoài công lập, gia đình đã động viên con tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ của trường; tăng cường học Tiếng Anh để tìm kiếm cơ hội sau khi tốt nghiệp THPT.

“Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, con đã gặt được quả ngọt khi trúng tuyển Học viện ngoại giao với 27 điểm khối D1 (Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ). Điều này chứng tỏ, không phải trường công lập mới là con đường duy nhất giúp con đến với ước mơ của mình”, anh Lương chia sẻ thêm.

Theo ông Phan Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ (Hà Nội), hiện nay, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh theo nguyện vọng và năng lực.

Ngoài khối trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn còn băn khoăn, e ngại khi cho rằng hướng đi này chỉ dành cho những học sinh có đầu vào thấp.

Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng, phụ huynh nên nhìn vào các lợi ích mà các Trung tâm GDTX mang lại cho học sinh như: thời gian học rút ngắn, vừa được học nghề, vừa được học văn hóa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, có thể liên thông lên các bậc học cao hơn. Đặc biệt, học sinh còn được Nhà nước trợ cấp hoàn toàn học phí học nghề theo nghị định 81 của Chính phủ. Về học phí các môn văn hóa, học sinh chỉ phải đóng mức gần như tương đương với các trường công lập.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ, mặc dù điểm đầu vào của học sinh theo học ở các trung tâm này thấp hơn so với các trường công lập, nhưng số học sinh đậu tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn chiếm tỉ lệ cao. Con số này khoảng 96-97 %. Trong đó, có khoảng 20% học sinh có đủ điều kiện học lên đại học.

“Nếu cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Phụ huynh nên cân nhắc để lựa chọn con đường phù hợp nhất với con em mình", ông Tuấn Anh nói.

Năm 2023, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội khoảng 72.000 trong đó hơn 33.000 học sinh phải học ngoài công lập.

Trước đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Sở GD&ĐT cho phép mỗi em được đăng kí tối đa 3 nguyện vọng vào trường công lập, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: NV1, NV2, NV3. Trong trường hợp không đủ điểm vào lớp 10 công lập, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có những lựa chọn học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường cao đẳng, trung cấp dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề; các trường ngoài công lập.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-nga-re-sau-khi-truot-lop-10-cong-lap-post645787.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-nga-re-sau-khi-truot-lop-10-cong-lap-post645787.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ‘ngã rẽ’ sau khi trượt lớp 10 công lập