Những ngôi nhà 'cưu mang' trẻ em bị bỏ rơi

14/10/2023, 12:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có 21 ngôi nhà dành cho trẻ em bị bỏ rơi hoặc lạm dụng được cấp phép ở Singapore do Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình (MSF) điều hành.

Những người trẻ này dần hiểu ra rằng, họ không giống những người bạn cùng lứa sống với gia đình.

Raymond Low nhớ đã được mẹ đưa đến Nhà Thiếu nhi Giám lý Chen Su Lan (CSLMCH) khi mới 6 tuổi. “Tôi cảm thấy lạc lõng. Lúc đầu, tôi cảm thấy choáng ngợp. Đó là một nơi rộng lớn và không phải là ngôi nhà bình thường. Bằng cách nào đó, tôi biết rằng, mẹ đã rời bỏ mình”, anh chia sẻ.

Trẻ em sống tại Melrose Home - một trong những ngôi nhà dân cư được cấp phép. ảnh 2
Trẻ em sống tại Melrose Home - một trong những ngôi nhà dân cư được cấp phép.

Song, các nhân viên chăm sóc tại khu dân cư đã “vô cùng quan tâm”. Điều đó khiến anh cảm thấy được an ủi hơn. Hiện, Raymond Low 25 tuổi. Anh đã sống tại ngôi nhà này đến năm 18 tuổi. Thời điểm đó, anh tham gia các chương trình hằng ngày và gặp mẹ vào cuối tuần. Raymond cho biết đã thích nghi tốt.

Trong các ngôi nhà này, các nhân viên nỗ lực để giúp những người trẻ tuổi sẵn sàng nhất có thể cho thế giới bên ngoài khi họ sống một mình. Giám đốc điều hành Low Kee Hong tại khu nhà ở CSLMCH cho biết, các thanh thiếu niên được tiếp cận với chương trình trị liệu, hỗ trợ học tập và bồi dưỡng.

Đây là những dịch vụ mà ngôi nhà có thể cung cấp do nỗ lực gây quỹ bổ sung cho nguồn tài trợ của chính phủ. Trẻ em sống theo nhóm từ 10 đến 15 người trong ký túc xá được trang bị phòng khách, bếp nhỏ và phòng ngủ. Mỗi ký túc xá thường có hai nhân viên chăm sóc nội trú trực tiếp phụ trách.

“Chúng tôi không còn là một ngôi nhà bao ăn ở nữa. Ngày nay, chúng tôi cung cấp nhiều dịch vụ chuyên nghiệp cho trẻ em để phục hồi cuộc sống, với những quan điểm và cơ hội mới”, Giám đốc Low nói. Những khu nhà này có người dọn dẹp, đầu bếp và các nhân viên hỗ trợ khác.

Điều đó có nghĩa là trẻ em tại đây được sống trong môi trường an toàn và chu đáo. Mái ấm còn giúp kết nối một số thanh niên khó khăn với nhà thờ để được hỗ trợ và tài trợ. Các nhà tài trợ giúp đỡ chi phí sinh hoạt và giáo dục. Trong khi đó, mái ấm theo dõi bằng cách giám sát các thanh niên, đảm bảo họ có trách nhiệm trong mỗi học kỳ.

Raymond là một trong những người được hỗ trợ như vậy. Anh vừa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hóa học tại Trường Đại học Quốc gia Singapore và được khu nhà ở hỗ trợ học phí hai năm đầu. Trong khi đó, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ học phí cho anh trong hai năm tiếp theo.

Raymond cũng nhận được 300 đô la Singapore/tháng tiền tiêu vặt. “Đó luôn là việc đối mặt với thực tế và với chính bản thân mình. Đó là thời điểm các thanh thiếu niên nắm giữ cuộc sống và thắp sáng tương lai của chính mình. Đó là mục tiêu của chúng tôi cho mọi trẻ em, bất kể tuổi tác”, Giám đốc Low nói.

Những thanh niên “đã hết tuổi” của Melrose được kết nối với các trung tâm dịch vụ gia đình và các nguồn lực cộng đồng khác bởi nhân viên xã hội. Sự chuyển đổi có thể “khá căng thẳng”. Vì vậy, nhân viên xã hội có thể gặp gỡ thanh niên gần như hàng tuần trong khoảng sáu tháng đầu tiên.

Những nhân viên này thậm chí đi cùng các thanh niên trong vài buổi đầu tiên với nhân viên của trung tâm dịch vụ gia đình. Chia sẻ về vấn đề này, MSF cam kết hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên không thể tái hòa nhập với gia đình hoặc người thân.

Một phát ngôn viên cho biết, các chuyên gia dịch vụ xã hội sẽ chuẩn bị cho những thanh thiếu niên này sống độc lập trước sáu tháng. Các thanh niên sẽ được kết nối với trung tâm dịch vụ gia đình để nhận hỗ trợ. Điều đó nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ gia đình sang cộng đồng.

Thanh thiếu niên cũng sẽ được giới thiệu đến các văn phòng dịch vụ xã hội nếu cần hỗ trợ tài chính hoặc việc làm. Họ cũng có thể được kết nối với những người bạn và cố vấn trong cộng đồng.

MSF cho biết, những thanh niên tiếp tục học đại học sau khi sống độc lập có thể nộp đơn xin trợ cấp của chính phủ. Đồng thời, nhận hỗ trợ tài chính do trường quản lý. Người phát ngôn cho biết, đối với những thanh thiếu niên cần nhà ở, các chuyên gia dịch vụ xã hội có thể tạo điều kiện giới thiệu đến ký túc xá, cho thuê hoặc lựa chọn nhà ở khác. Trong khi đó, một số ngôi nhà dân cư cho phép thanh niên tiếp tục ở lại. Những ngôi nhà khác có thể cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung và thường xuyên theo sát các thanh niên.

Theo CNA

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-ngoi-nha-cuu-mang-tre-em-bi-bo-roi-post657467.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-ngoi-nha-cuu-mang-tre-em-bi-bo-roi-post657467.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ngôi nhà 'cưu mang' trẻ em bị bỏ rơi