Việc ăn quá nhanh khiến cơ thể khó hấp thu các chất dinh dưỡng, dễ dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, nhiều người lấy lý do bận rộn nên ăn rất nhanh. Thậm chí, 5-10 phút họ đã ăn xong bữa cơm. Thói quen ăn nhanh khiến cơ thể nạp nhiều thức ăn, dễ bị thừa năng lượng, thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, rối loạn lipid.
Hành động này còn khiến thức ăn chưa kịp tiêu hóa, tăng áp lực trong dạ dày, gây hại cho đường tiêu hóa. Cơ thể không sản xuất đủ enzym cần thiết để phân hủy hoàn toàn thức ăn, ruột non khó hấp thụ những chất dinh dưỡng quan trọng này. Ngoài ra, thức ăn không tiêu hóa hết dẫn đến đầy bụng, tiêu chảy, ợ nóng, trào ngược axit, buồn nôn.
Ngược lại, ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp bạn cảm thấy được hương vị của món ăn. Khi nhai nghiền thức ăn, dịch tiêu hóa thấm vào, tiêu hóa dễ hơn. Trong nước bọt chứa chất mucus protein. Đây là loại chất nhầy có tác dụng bôi trơn thức ăn giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi ung thư, đặc biệt là ung thư bờ cong nhỏ dạ dày. Nước bọt kích hoạt sản xuất axit clohydric trong dạ dày, giúp nó sẵn sàng đón nhận và tiêu hoá thức ăn.
Ngoài ra, khi nhai kỹ bữa ăn kéo dài hơn, giúp dạ dày có đủ thời gian để báo hiệu cho não biết cảm giác no, giúp bạn hạn chế ăn quá nhiều và tăng cảm giác hài lòng trong bữa ăn.
Trung bình, bạn nên nhai khoảng 30 – 32/lần trước khi nuốt. Với thực phẩm mềm như khoai tây, dưa hấu số lần nhai ít hơn. Thực phẩm khó như bít tết, bò nướng bạn cần nhai lâu hơn nữa khoảng 40 lần.
Một bữa ăn nên kéo dài 20 – 30 phút. Bạn nên ăn chậm nhai kỹ, ăn bằng bát, thìa nhỏ. Bữa ăn nên có nhiều chất xơ giúp bạn ăn chậm hơn.