14 năm qua, vào dịp Tết Nguyên đán, cô Tống Thị Ngọc Thúy Vân - giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Du (huyện Đăk Tô, Kon Tum) đều trích tiền túi ủng hộ Chương trình “Bánh chưng xanh”, cắt tóc miễn phí và vui chơi cùng học sinh ở làng Đăk Kang (xã Diên Bình).
Thay vì lì xì cho trò nghèo vào dịp Tết, cô Vân mua bánh kẹo, sách vở và quần áo để các em đón năm mới vui vẻ, trọn vẹn hơn. Sau Tết, học sinh vắng nhiều nên cô thường xuyên gọi điện thăm hỏi, vào làng tuyên truyền để gia đình tạo điều kiện cho con em ra lớp. Để thuận lợi hơn trong giao tiếp với bà con, cô Vân học thêm tiếng Xơ Đăng. Qua nhiều lần chia sẻ, động viên…, phụ huynh cũng tin tưởng và đồng hành nhằm duy trì sĩ số lớp học.
Là người địa phương, Tết năm nào thầy giáo A Hlưng - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô, Kon Tum) cũng quây quần cùng dân làng gói bánh chưng, đốt lửa đêm Giao thừa. Trong không khí vui tươi, rộn ràng, thầy A Hlưng không quên động viên học sinh cố gắng học tập để sau này bớt vất vả. Với những em đặc biệt khó khăn, đầu năm mới thầy đến từng nhà thăm hỏi, lì xì để trò phấn khởi.
Nhiều năm qua, vào dịp lễ hội Pơ Thi - lễ hội lớn nhất trong năm của người Ba Na, thầy Vũ Văn Tùng - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) lại vui cùng bà con dân làng.
“Người Ba Na nơi đây không ăn Tết Nguyên đán. Lễ hội lớn nhất là Pơ Thi để tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Lễ hội diễn ra từ đầu tháng 2 đến hết tháng 3 hằng năm nên dịp này nhiều học sinh không đến trường. Do đó, tôi tranh thủ tham gia cùng bà con để hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống, cũng như động viên gia đình, học sinh bám trường, lớp”, thầy Tùng nói.
10 năm gắn bó với thôn làng, hòa chung niềm vui năm mới cùng bà con, Tết Nguyên đán 2024 thầy Tùng dự định về quê Nghệ An đón Tết với mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Trước khi về quê, thầy Tùng không quên kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm và những phần quà thiết thực cho học sinh khó khăn để các em đón năm mới đủ đầy, ấm cúng.
“Tôi tiếp tục kêu gọi, hỗ trợ 40 suất quà Tết cho 40 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Món quà tuy chưa lớn nhưng phần nào giúp gia đình các em đón Tết trọn vẹn hơn. Đây cũng là động lực giúp trò cố gắng, vươn lên trong học tập để thoát khỏi đói nghèo”, thầy Tùng tâm sự.
Pơ Thi là nghi lễ lớn nhất của người Ba Na để tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về với Yàng (trời) và giải phóng những ràng buộc giữa người sống với người chết. Nghi lễ này kéo dài suốt 3 ngày, 3 đêm. Người dân sẽ mời cả làng cùng tham gia ăn uống, múa xoang và cồng chiêng. Những người thân trong gia đình nói chuyện lần cuối với người đã mất để dẫn đưa người chết vĩnh viễn về cõi Atâu (cõi chết).