Tuyến đường Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng và Nguyễn Kiệm trên địa bàn quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp nhiều đoạn những năm qua vẫn không được trồng cây hai bên. “Mỗi khi phải di chuyển theo 3 tuyến đường Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng vào thời điểm giữa trưa nắng như là cực hình. Đường vừa đông xe vừa thiếu bóng cây càng trở nên nóng bức, mệt mỏi hơn”, anh Phan Huy Mẫn, tài xế xe ôm công nghệ cho hay.
Một trạm xe buýt trơ trọi bên vỉa hè đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Trưa 29/3, người khách này khoác đồ kín người, phải đứng chờ giữa nắng khá lâu để đón xe buýt.
Đường Cách Mạng Tháng Tám, Tô Hiến Thành (quận 10), Trường Chinh (quận Tân Phú)… là những tuyến đường có mật độ giao thông rất lớn, vừa kẹt xe vừa thiếu cây xanh.
Phần lớn đường Cách Mạng Tháng Tám từ vòng xoay Dân chủ đến ngã tư Bảy Hiền đều không có bóng dáng cây xanh, hoặc rất thưa thớt. Hai bên vỉa hè dày đặc cột điện, dây chằng chịt. Xe cộ lưu thông với mật độ lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Giữa thời tiết nắng nóng, người đi đường mệt mỏi vì dọc tuyến đường chỉ có mặt đường nhựa và bê tông. Nhiều cây bên tuyến đường này nằm đơn độc, trong đó đa số cây còi cọc, chậm phát triển, không đủ che bóng mát.
Không những thiếu cây xanh trầm trọng, những tuyến đường này lại kinh doanh buôn bán sầm uất, xe cộ đông đúc, vỉa hè nhỏ hẹp, nhiều đoạn bị biến mất đẩy người đi bộ xuống lề đường.
Tại khu vực trung tâm thành phố, đường Lê Lai đoạn gần chợ Bến Thành vỉa hè nhỏ hẹp lâu nay cũng không được bố trí cây xanh. Các dãy nhà trở nên khô cứng khi không có những hàng cây.
Nhiều năm qua, quá trình đô thị hoá khiến nhiều mảng xanh của TP.HCM phải nhường chỗ cho những công trình giao thông hiện đại, các tòa nhà cao tầng. Sau khi tuyến metro hoàn trả mặt bằng, phần lớn vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1 không một bóng cây khiến việc kinh doanh thương mại, đi lại của du khách gặp nhiều trở ngại.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất lắp mái che trên vỉa hè để chống nắng, che mưa, tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại – du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành. Kinh phí ước tính sơ bộ khoảng 20 - 30 tỷ đồng.
Theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025, thành phố sẽ tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng. Diện tích công viên tăng 0,65m2/người. Những tuyến đường có vỉa hè ổn định rộng từ 3m trở lên được trồng cây xanh. Thành phố sẽ trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh, trồng thêm 20 loại cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng. |