Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Mohamed Bazoum tập trung ở thủ đô Niamey. Ảnh: AFP
Ngày 6/8 tới sẽ là thời hạn chót mà Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực nếu các tướng lĩnh đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum. Tuy nhiên, chính quyền quân sự ở Niger đã tuyên bố không nhượng bộ trước áp lực của các nước láng giềng Tây Phi. Phái đoàn của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) được cử tới Niger đã phải “tay trắng” trở về khi không có cuộc gặp nào với chính quyền quân sự, cũng như với Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Các nguồn tin khu vực cho biết, sau 3 ngày họp, các chỉ huy quốc phòng Tây Phi đã lên kế hoạch can thiệp quân sự tiềm năng để đảo ngược cuộc đảo chính tại Niger, bao gồm cả cách thức và thời điểm triển khai lực lượng.
Uỷ viên phụ trách các vấn đề chính trị, hoà bình và an ninh của ECOWAS Abdel-Fatau Musah nhấn mạnh: “Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của chúng tôi có một quyết tâm mạnh mẽ là chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Niger và sẽ không bao giờ cho phép xảy ra sự gián đoạn đối với quá trình tiến tới củng cố dân chủ trong khu vực. Chúng ta phải đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra ở đây không chỉ là những lời hoa mỹ mà được chuyển thành những hành động hữu hình trên thực tế”.
Trước khả năng can thiệp từ bên ngoài vào Niger, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov đã bày tỏ lo ngại về những căng thẳng đang nổi lên tại khu vực, đồng thời cảnh báo sự can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực sẽ không giúp thay đổi tình hình theo chiều hướng tốt hơn.
Trước đó hôm 3/8, trong một bài đăng trên Washington Post, Tổng thống Mohamed Bazoum đã kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế giúp Niger khôi phục trật tự hiến pháp. Ông đồng thời cảnh báo nếu các nỗ lực đảo chính nhằm phế truất ông thành công, sẽ gây ra những hậu quả “tàn khốc” đối với quốc gia Tây Phi này, cũng như khu vực và toàn thế giới.