Trong khi đó, nhiều lãnh đạo khu vực lại đang có quan điểm trái chiều về tình hình tại Niger. Một số lãnh đạo châu Phi như Nigeria, Senegal hôm qua đã để ngỏ khả năng có thể triển quân đội đến Niger để ổn định tình hình tại nước láng giềng này. Tuy nhiên, nước láng giềng cộng hòa Chad - nước đang làm trung gian hòa giải của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi khẳng định sẽ không can thiệp quân sự, đồng thời kêu gọi các bên tại Niger tiếp tục đối thoại.
Trước tình hình nghiêm trọng tại Niger, Cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh nỗ lực hòa giải tại quốc gia Tây Phi này. Bộ Ngoại giao Đức hôm qua đã kêu gọi thúc đẩy nỗ lực hòa giải với chính quyền quân sự ở Niger. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện hòa giải ở Niger và đạt được giải pháp chính trị. Quan chức này cho biết Đức ủng hộ các nỗ lực hòa giải đang diễn ra.
Cùng ngày,, Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ hành động can thiệp nào vào Niger từ các cường quốc ngoài khu vực đều khó có thể cải thiện tình hình sau cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia Tây Phi.
Phát biểu với các phóng viên, Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov bày tỏ: "Hành động can thiệp của các lực lượng ngoài khu vực không thể giúp thay đổi tình hình theo chiều hướng tích cực hơn. Chúng tôi đang theo dõi tình hình hết sức chặt chẽ, chúng tôi lo ngại về tình trạng căng thẳng ở Niger. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường theo hiến pháp mà không gây nguy hiểm đến tính mạng con người".
Đây không phải là lần đầu tiên đảo chính xuất hiện tại khu vực châu Phi, trong đó có Niger. Thực tế, đảo chính đã xuất hiện tới 7 lần tại khu vực Tây và Trung Phi kể từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, với vị thế chiến lược của Niger tại khu vực trong lĩnh vực dầu mỏ, urani, cũng như cuộc chiến chống quân nổi dậy cực đoan tại khu vực Sahel, quốc gia này được xem là có tầm quan trọng chiến lược đối với nhiều nước trên thế giới và cả khu vực. Vì vậy, cuộc đảo chính tại quốc gia này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.
Kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính, nhiều nước phương Tây đã cắt giảm viện trợ cho Niger, mặc dù quốc gia Tây Phi là một trong những nước nghèo nhất thế giới và dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, vốn chiếm gần một nửa ngân sách thường niên của quốc gia này. Mới nhất, Mỹ hôm qua quyết định sẽ dừng một số chương trình hỗ trợ nước ngoài dành cho chính phủ Niger, tuy nhiên vẫn tiếp tục viện trợ nhân đạo và thực phẩm cho người dân quốc gia Tây Phi này. Chính phủ Hà Lan cùng ngày cũng xác nhận đang tạm thời đình chỉ hợp tác trực tiếp với chính phủ Niger, đồng thời cho biết đang cân nhắc tài trợ cho các chương trình nhân đạo khác ở Niger do Liên Hợp Quốc, những tổ chức quốc tế khác hoặc các đối tác địa phương quản lý.