“Các anh chị đi trước có truyền lại một vài địa chỉ luyện thi hiệu quả nên em đã đăng ký học thử, thi thử 4 khóa như giải đề thi, live luyện đề, ôn theo 3 môn tổ hợp… với chi phí học online tương đối rẻ, khoảng 450.000 đồng/trong 3 tháng. Em thấy để đạt điểm cao trên mức 850 - 900 điểm ở kỳ thi này là không hề dễ dàng, vì vậy quyết định tiếp tục ôn luyện từ giờ cho tới cuối năm. Chỉ cần đạt điểm cao ở kỳ thi này thì cơ hội trúng tuyển sẽ rộng lớn, vì hiện có nhiều trường sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển”, Linh Trang nói.
Nguyễn Linh Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Linh Trung, TP Thủ Đức, TPHCM năm nay có nguyện vọng vào học ngành Marketing của Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) và nguyện vọng 2 (nếu trượt NV1) là ngành Thương mại điện tử của Trường ĐH Tài chính - Marketing, nên quyết định đăng ký ôn luyện từ khá sớm.
Theo thông tin từ ĐHQG TPHCM, năm 2023, đơn vị này cơ bản vẫn duy trì ổn định kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2022 để không gây xáo trộn cho thí sinh. Kỳ thi dự kiến được tổ chức thành hai đợt, một đợt vào cuối tháng 3/2023 và một đợt vào cuối tháng 5/2023. Với thành công của những kỳ thi trước, cùng số lượng trường sử dụng kết quả của kỳ thi này tăng, theo dự đoán số lượng thí sinh đăng ký kỳ thi này sẽ tăng.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - cho rằng, thí sinh phải cân nhắc khả năng và năng lực thực sự của mình trước khi lựa chọn phương thức thi trên. “Không ai cấm thí sinh dự thi để đánh giá khả năng. Việc xác định rõ mục tiêu và khả năng của bản thân sẽ giúp thí sinh định hướng hướng đi, cũng như phương thức tham gia xét tuyển mang lại nhiều cơ hội cho mình nhất.
Tuy nhiên, nếu thí sinh thấy nhiều trường sử dụng kết quả xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực, hay việc bạn bè mình đổ xô đi thi hoặc luyện thi, rồi mình cũng làm theo trong khi học lực chỉ ở ngưỡng trung bình hay trung bình khá, thì không chỉ tốn kém cho bản thân gia đình, mà còn làm mất thời gian, kế hoạch chính của bản thân. Vì vậy, lời khuyên là thí sinh phải cân nhắc và chọn lọc thông tin trước khi bỏ tiền tham gia vào những lớp luyện giải đề, thi thử nhằm tránh lãng phí”, ThS Phạm Thái Sơn nói.
Có cầu ắt có cung, khi nhu cầu được luyện giải đề thi hay luyện thi từ thí sinh quá lớn, việc các trung tâm luyện thi, hay cá nhân thầy, cô giáo đứng ra mở lớp, chiêu sinh cũng là chuyện hết sức bình thường.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM, cho biế, chủ trương của ĐHQG TPHCM khi tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực là giúp thí sinh tự xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực của mình một cách toàn diện, dài hạn. ĐHQG TPHCM từ 3 năm nay không ban hành hay tổ chức bất cứ hình thức luyện thi nào.
“Quan điểm của chúng tôi là không khuyến khích việc luyện để thi tốt. ĐHQG TPHCM không khuyến khích thí sinh tham gia luyện thi mà các em hãy học tập một cách toàn diện, phát triển năng lực của mình, tiếp cận kiến thức khoa học, chủ động. Hiện nay, trước kỳ thi, ĐHQG TPHCM chỉ công bố cấu trúc bài thi, đề thi mẫu để thí sinh biết định hướng chung về kỳ thi. Vì vậy, tất cả tài liệu, khóa luyện thi ở các nơi đang công khai hay thông tin đến thí sinh không do ĐHQG TPHCM cung cấp”, TS Chính nói.