Nơi đất tựa nghiên mực sản sinh nhân tài anh tú

Trần Hoà | 13/04/2022, 15:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có địa thế giống như một chiếc nghiên mực, đất học Hoằng Lộc (Hoằng Hoá – Thanh Hoá) nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng với 12 vị đại khoa.

Hoằng Lộc cũng là quê hương của Nguyễn Quỳnh – người nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại. Bởi vậy dân gian gọi ông là Trạng Quỳnh, mặc dù ông chỉ đỗ Hương cống.

Quốc Tử Giám thu nhỏ

Theo sử liệu, Hoằng Lộc xưa là trung tâm của những làng cổ xứ Thanh. Làng được hình thành và phát triển từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây 2000 năm. Thời trước, Hoằng Lộc có tên là Kẻ Vụt, từ thế kỉ 10 có tên là Đường Bột trang. Đến thời Lê sơ thì Đường Bột được gọi là Đà Bột với hai làng là Bột Thượng và Bột Hạ.

Hoằng Lộc nổi tiếng là vùng đất có truyền thống hiếu học và khoa bảng xứ Thanh. Hình thể địa phương vuông vức nên người xưa ví vùng đất học ấy giống một cái nghiên lớn. Văn bia ở Văn từ huyện Hoằng Hóa đã khắc họa địa thế và vị trí đặc sắc của Hoằng Lộc: “Hình thế thì có núi Phong Châu làm án, có dòng sông Mã uốn quanh, non sông đúc kết khí thiêng, sinh trưởng nhân tài anh tuấn... kẻ sĩ nhiều người đỗ đạt, danh tiếng lẫy lừng, đứng hàng đầu Châu Ái mà sánh chung cả nước”.

hoang-loc-1.jpg

Di tích Bảng Môn đình tại Hoằng Lộc được coi như Quốc Tử Giám thu nhỏ của xứ Thanh.

Từ thế kỷ 19, giới nho sĩ Hoằng Hóa đã lập Văn từ thờ Khổng Mạnh và những bậc tiên hiền của huyện ngay trên đất Hoằng Lộc. Đó là Bảng Môn đình - được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật năm 1990. Di tích là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người Hoằng Lộc nói riêng, người dân Hoằng Hóa nói chung.

Ở Hoằng Hoá, người dân ví Bảng Môn đình là Quốc Tử Giám xứ Thanh. Ngoài chức năng hội họp và thờ thành hoàng, Bảng Môn đình chính là nơi tụ họp của “Hội tư Văn” và là nơi tiếp đón, vinh danh những người đỗ đạt trong các kì khoa cử.

12 vị đỗ đại khoa cùng hàng trăm hương cống, tú tài khi về vinh quy bái tổ cũng lưu lại nơi này. Ra đời trên mảnh đất có truyền thống khoa bảng, lại có chức năng như một văn chỉ nên người địa phương đã đặt cho đình tên gọi “Bảng Môn” (cửa vào của các nhà khoa bảng).

Bảng Môn đình tọa lạc trên một khuôn viên khá rộng, mặt quay về hướng Nam. Với bố cục theo kiểu chữ Đinh, kiến trúc đình bao gồm: Tòa đại đình nằm ngang, phía sau là tòa hậu cung.

Tại khuôn viên Bảng Môn đình còn lưu giữ hòn đá mà lúc sinh thời Thám hoa Nguyễn Sư Lộ - người thầy dạy chữ ven đường từng ngồi dạy học cho người dân trong làng.

12 đại khoa đất học

Hoằng Lộc có lịch sử khoa cử 438 năm - từ khi có vị khai khoa năm 1481 đến khoa thi nho học cuối cùng triều Khải Định (1919). Trong hơn bốn thế kỉ, Hoằng Lộc có 12 người được đề danh trên bảng vàng đại khoa. Trong đó nhiều người đỗ tam khôi, Đình nguyên Hoàng giáp…

hoang-loc-2.jpg

Phiến đá nơi Thám hoa Nguyễn Sư Lộ ngồi dạy học.

Người khai khoa được ghi nhận là Nguyễn Nhân Lễ. Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi hội, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 thời vua Lê Thánh Tông (1481) khi 21 tuổi. Ông là người đỗ đại khoa đầu tiên của 2 làng Bột. Làm quan trải 40 năm, qua 7 triều vua (từ Lê Thánh Tông đến Lê Cung Hoàng). Trải nhiều chức quan, ông vẫn giữ đức tính liêm khiết, cần mẫn nên được người đời ca ngợi hết mực.

Người thứ hai là Nguyễn Thanh, ông gia nhập quân ngũ thời Lê Cung Hoàng, sau rời quân về theo nghiệp học. Khoa Tân Sửu (1541) niên hiệu Quảng Hòa, thời Mạc Phúc Nguyên ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, được bổ nhiệm chức Hàn lâm hiệu thảo, thăng giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn.

Người đỗ hàng tam khôi đầu tiên là Nguyễn Sư Lộ. Sinh thời, ông thường ngồi ở ven đường dạy chữ cho dân nên dân gian kính trọng gọi là Sư Lộ. Năm Giáp Dần (1554) thời Lê Trung Tông mở chế khoa thi hội, ông thi đỗ Thám hoa. Được triều đình bổ nhiệm nhiều chức vụ phủ trán, sau thăng Hữu Thị lang Bộ lại. Con cháu ông nhiều người theo nghiệp, học hành giỏi giang và đỗ đạt cao.

Người thứ tư là Bùi Khắc Nhất - con trai giám sinh Quốc Tử Giám Bùi Doãn Hiệp. Kỳ thi Chế khoa, ông đỗ Bảng nhãn khi mới 33 tuổi. Sau được triều đình giao nhiều chức vụ quan trọng: Giám khảo trường thi hương Thanh Hóa, Thị giảng trong cung vua, Hình bộ hữu Thị lang, thăng Bộ hộ Thượng thư sau chuyển sang Binh bộ Thượng thư. Ông từng dẫn đầu phái võ cùng Phùng Khắc Khoan dẫn đầu phái văn sang Trung Quốc hiệp thương.

Người thứ 5 là Nguyễn Cẩn đỗ Hoàng giáp khoa thi Canh Thìn (1580) thời Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc trao ông chức Hình khoa cấp sự trung, nhưng sau đó ông bỏ Mạc phò Lê. Giữ chức chưa được bao lâu thì ông mất lúc 49 tuổi, khi chí nguyện chưa đạt.

Người thứ 6 là Nguyễn Nhân Thiệm đỗ Hương cống (1573) sau đó vừa làm quan vừa tự học. Khoa thi năm Quý Mùi (1583) ông đỗ Hoàng giáp. Năm 1597, được cử làm phó sứ cùng Phùng Khắc Khoan sang nhà Minh cầu phong vua cho vua Lê. Trên đường về nước ông lâm bệnh và mất tại trạm Phù Dung. Vua nhà Minh thương tiếc cử sứ đoàn đến viếng, đề linh vị: Nam quốc sứ thần công linh vị.

hoang-loc-4.jpg

Chỉ trong vòng 438 năm, Hoằng Lộc đã có đến 12 người đỗ đại khoa (ảnh tư liệu).

Nguyễn Thứ con Thám hoa Nguyễn Sư Lộ, ông đỗ Hương cống năm 21 tuổi. Sau lại đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, giữ chức Hàn lâm viện hiệu lý, chuyển Thị giảng, thăng Thái thường Tự khanh. Ông mất khi tuổi còn trẻ, 2 con trai đều đỗ Hương cống.

Nguyễn Lại đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Ông làm quan đến Công bộ hữu Thị lang, từng được cử sang sứ nhà Minh, sau chuyển sang Bồi tụng phủ chúa dạy Thế tử.

Nguyễn Ngọc Huyền và em là Nguyễn Ngọc Toản đều đỗ Hương cống năm 1702. Khoa thi Tân Sửu (1721) ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, sau lĩnh đốc trấn Cao Bằng. Khi vùng Cao - Lạng nổi loạn lần 2, ông được cử làm đốc trấn dẹp loạn. Khi trở về triều ông lâm bệnh nặng và mất tại nhiệm sở.

Lê Huy Du đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi (1785). Vừa nhậm chức thì quân Tây Sơn nhập thành Thăng Long. Khi Gia Long lên ngôi, 2 lần mời ông ra cộng tác nhưng không thành. Lần thứ ba, ông ra nhưng chỉ nhận giáo chức. Ông đã đào tạo rất nhiều sĩ tử thành tài.

Nguyễn Tôn Thố đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1835). Ông thường hộ giá vua Thiệu Trị, sau giữ chức Hàn lâm viện biên tri, làm phúc khảo kì thi hương trường thi Huế.

Vị đại khoa cuối cùng là Nguyễn Bá Nhạ - con trai tri huyện Yên Lạc Nguyễn Thận Tuyển. Kỳ thi khoa Quý Mão (1843) niên hiệu Thiệu Trị, ông đỗ Nhị giáp Tiến sĩ thứ nhất (Đình nguyên Hoàng giáp) năm 22 tuổi. Năm Thiệu Trị thứ 4 bổ nhiệm chức Tri phủ Hàm Thuận. Năm 1848, niên hiệu Tự Đức thứ 2, ông bị bệnh và mất tại sở nhiệm khi mới 27 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc có câu đối viếng: “Nhân sinh bách tuế vi kỳ, bán chi bán hân quân mệnh bạc. Niên thiếu Tam nguyên cập đệ kỳ cánh kỳ sử ngã tâm bi”.

hoang-loc-3.jpg

Đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh – nguyên mẫu Trạng Quỳnh.

Nguyên mẫu Trạng Quỳnh

Ngoài 12 vị đại khoa, Hoằng Lộc còn là quê hương của danh sĩ Nguyễn Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại. Từ đó, dân gian hư cấu thêm và gọi ông là Trạng Quỳnh, mặc dù ông chỉ đỗ Hương cống.

Nguyễn Quỳnh sinh năm 1677, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, tài trí hơn người. Năm 14 tuổi văn tài đã khá, thi trường Huyện trúng cả 4 kỳ. Năm 18 tuổi (1694) Nguyễn Quỳnh theo cha ra Thăng Long, lúc này cha ông làm Giám sinh Quốc Tử Giám.

Năm Bính Tý (1696) ông đỗ Hương nguyên khi tròn 20 tuổi. Ông có sở trường thơ phú, có học vấn uyên thâm, tài năng ứng biến. Người đương thời đánh giá cao tài năng của ông và thường gọi ông là Quốc sư hay Trạng nguyên: Dân phong tước Trạng cho Quỳnh/ Chẳng cần khoa bảng, triều đình, đá bia/ Chẳng cần ông nọ, bà kia/ Tên ông thành ngọn giáo lia ngang trời.

Thời kỳ này, xã hội phong kiến khủng hoảng, nhân dân lầm than cực khổ. Quan chức đa số xa xỉ, chia bè kéo cánh, mưu lợi ích riêng, biến trường thi trở thành nơi vơ vét làm giàu. Nguyễn Quỳnh dù thông minh tài trí nhưng lận đận nơi trường ốc.

Dù là Học quan, nhưng lương thấp không đủ chăm mẹ, nuôi em, cuộc sống trở nên quẫn bách, đã thế còn bị giáng chức hạ lương. Việc giáng truất là do chúa Trịnh trực tiếp quyết định, khiến ông có những lời nói và hành động chống lại chúa.

Nguyễn Quỳnh qua đời năm 1748, thọ 72 tuổi để lại cho hậu thế một cuộc đời trào lộng cùng những trang thơ mẫu hình cho nhân vật Trạng Quỳnh.

Năm 1990, đền thờ Nguyễn Quỳnh tại Hoằng Lộc được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

“Nguyễn Quỳnh là một người giỏi văn Nôm, thích hài hước, tôi không hề có ý đồng nhất Hương cống Nguyễn Quỳnh với Trạng Quỳnh dân gian. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, Cống Quỳnh hoàn toàn có đủ tư cách để trở thành khởi hình lịch sử của Trạng Quỳnh dân gian”.

Cố GS Hà Văn Tấn

Bài liên quan
Tam Sơn "địa linh nhân kiệt" vang danh khoa bảng
Với 22 tiến sĩ, Tam Sơn xứng đáng là đất "địa linh nhân kiệt" vang danh khoa bảng. Không chỉ vậy, Tam Sơn cũng là ngôi làng duy nhất đủ cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi đất tựa nghiên mực sản sinh nhân tài anh tú