Nỗi lo an toàn trường học khi mở cửa

PV | 02/11/2021, 14:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo chuyên gia dịch tễ, cần có bộ quy tắc xử lý riêng cho trường học nếu phát hiện F0 để địa phương bình tĩnh ứng phó, tránh lại gây gián đoạn việc học trực tiếp.

Ngày 30/10, trường Tiểu học Lâm Sơn A ở xã miền núi Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận phải tạm đóng cửa trường do có học sinh tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19. 129 học sinh và 8 giáo viên phải cách ly tại trường. Ngoài Tiểu học Lâm Sơn A, xã cũng cách ly trường THCS Lê Lợi và Mẫu giáo Lâm Sơn với hơn 120 người do liên quan các ca nhiễm. Học sinh ở xã vừa học trực tiếp được khoảng 3 tuần thì phải trở lại hình thức trực tuyến.

Trước đó hai ngày, huyện Ea Kar, Đăk Lăk cũng phong tỏa trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân khi phát hiện 3 học sinh dương tính. Hơn 100 giáo viên, học sinh ở lại trường để được chăm sóc sức khoẻ. Huyện cho học sinh 6 xã, thị trấn chuyển sang học trực tuyến khi vừa đi học lại được khoảng 10 ngày.

Trong tháng 10, nhiều địa phương trên cả nước như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định... phải dừng học trực tiếp, để ứng phó với các ca F0.

Thực tế này khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nếu không có lộ trình mở cửa trường hợp lý và cách ứng phó F0 linh hoạt, chủ động thì khi học sinh trên cả nước đi học lại, sự xuất hiện các ca nhiễm trường học có thể khiến việc học gián đoạn, dịch bệnh ở các địa phương căng thẳng hơn.

Bữa ăn của học sinh trường Tiểu học Lâm Sơn A, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận trong thời gian cách ly. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Bữa ăn của học sinh trường Tiểu học Lâm Sơn A, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận trong thời gian cách ly. Ảnh: Nhà trường cung cấp

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP HCM cho rằng, để mở cửa trường học an toàn, cần xem xét hai yếu tố chính là mức độ lây nhiễm dịch và tỷ lệ phủ vaccine.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các địa bàn cấp độ dịch tương đương 1 và 2 ở Việt Nam, trẻ em vẫn đến trường. Ông Dũng nhận định, điều này có cơ sở vì nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng lây lan tương đối thấp trong trường học.

Ông Dũng chia sẻ thông tin, ở Mỹ, một khảo sát tại 17 trường trong năm 2020 phát hiện 191 ca Covid-19 ở giáo viên và học sinh. Trong đó, chỉ 7 ca là do lây nhiễm trong trường, còn lại lây ở ngoài. Tại Salt Lake City, các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm Covid-19 cho những học sinh và nhân viên đã tiếp xúc với bất kỳ học sinh nào trong số 51 em có kết quả dương tính. Trong số khoảng 700 người được xét nghiệm, chỉ 12 người dương tính.

Các nhà nghiên cứu Australia cũng nhận định, việc lây nhiễm Covid-19 cho trẻ chủ yếu xảy ra trong môi trường gia đình, do đó, họ khuyến nghị mở cửa trường học.

Dù vậy, ngoài cấp độ dịch, để mở cửa trường, độ phủ vaccine là tiêu chí quan trọng. Ở Việt Nam, nhiều địa phương có cấp độ dịch giống nhau, nhưng độ phủ vaccine là khác nhau. Những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng thấp, khi mở cửa trường, khả năng lây nhiễm cho học sinh (ở không gian ngoài trường học) sẽ cao hơn, dễ gây bùng dịch khó kiểm soát.

Nhiều quốc gia trên thế giới mở cửa trường theo tiến độ tiêm chủng. Australia là một ví dụ. Dựa trên tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19, nước này dần mở cửa với từng khối lớp. Ở bang Victoria, từ đầu tháng 10, khi tỷ lệ chích ngừa cho người từ 16 tuổi trở lên đạt 80% mũi thứ nhất và 50% mũi thứ hai, học sinh lớp 12 đã trở lại trường toàn thời gian. Khi 80% dân số trên 16 tuổi tiêm đủ hai liều vaccine, tất cả học sinh sẽ trở lại trường học và không còn học online.

Xét những yếu tố trên, theo ông Dũng, TP HCM là địa phương hội tụ đủ nhất các yếu tố để dần mở cửa trường học vì các quận, huyện đều ở cấp độ dịch 1 và 2, học sinh 12-17 sắp được tiêm đủ vaccine.

Chuẩn bị tốt giải pháp ứng phó chủ động, linh hoạt với các ca F0 trường họccũng là một yếu tố quan trọng để mở cửa trường an toàn trong bối cảnh "sống chung với Covid-19".

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi có ca F0, địa phương sẽ lập tức đóng cửa trường học, thậm chí cả các trường khác liên quan; học sinh F0 được đưa đi cách ly tập trung hoặc ngay tại trường, F1 được cách ly tại nhà, trường chuyển sang học online trong khoảng ít nhất một tuần.

Ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar nhận định, việc tổ chức cho học sinh cách ly tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân là giải pháp tốt nhất. Nhà trường đảm bảo điều kiện ăn uống, sinh hoạt ở mức tối thiểu cho học sinh. Việc này cũng hỗ trợ cho công tác truy vết, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Lãnh đạo ở một huyện khác nhìn nhận, việc cho học sinh toàn trường nghỉ học và cách ly những em liên quan là "không thể khác được" trong điều kiện hiện tại.

"Mở cửa trường trong bối cảnh mới, khó tránh khỏi sẽ có F0 trong trường bởi số lượng học sinh, giáo viên các trường đều trên dưới 1.000, có trường 2.000. Nhưng nếu xử lý bằng các biện pháp thái quá, việc học rất dễ đình trệ, gây xáo trộn rất lớn với học sinh, gia đình và nhà trường", một lãnh đạo trường THPT tại TP HCM nói.

Australia, do độ phủ vaccine trong học sinh là rất cao, chỉ đóng cửa lớp có ca nhiễm trong khoảng 24h nhằm tập trung truy vết, sau đó cho các em trở lại học bình thường.

Từ thực tế này, ông Dũng nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc cân nhắc lộ trình mở cửa trường theo độ phủ vaccine. Ở các địa phương đã được tiêm phủ vaccine tốt, học sinh và giáo viên sẽ an toàn hơn. Lúc đó, nếu phát hiện F0 trong lớp, chỉ cần cách ly, chăm sóc, quản lý ca nhiễm đó. Những học sinh liên quan được kiểm tra sức khoẻ theo quy định, lớp học vẫn có thể tiếp tục như bình thường.

Ông Dũng nhận định ngành y tế và địa phương cần thống nhất quy tắc xử lý nếu phát hiện F0 ở trường học.

Nhiều trường mong muốn được chủ động lên kịch bản ứng phó nếu phát hiện F0, trên nguyên tắc tuân thủ hướng dẫn chung của Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương kết hợp linh hoạt với bối cảnh cụ thể.

Hôm qua, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng để học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng. Hai Bộ sẽ thống nhất, hướng dẫn sớm nhất Sổ tay về phòng chống Covid-19 trong trường học; tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống dịch để "mỗi giáo viên trở thành một cán bộ y tế tại trường học".

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến 25/10, có 23 tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh đến trường, 15 địa phương khác dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, số còn lại vẫn dạy trực tuyến hoàn toàn.

Bài liên quan
Hà Nội cần xây thêm 30 trường học mới trong năm 2021
Theo kế hoạch, trong năm 2021, Hà Nội sẽ xây mới thêm 30 trường học để giảm tải, nhưng do dịch Covid-19 kéo dài nên tiến độ đang chậm lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo an toàn trường học khi mở cửa