Tuy nhiên, trước đây khi có dịch, trường học đóng cửa trên diện rộng thì nay cơ quan chức năng khoanh vùng, chuyển đổi sang dạy học trực tuyến.
Tại Phú Thọ, từ khi bùng dịch đến nay có hơn 150 học sinh, giáo viên mắc Covid-19, nhưng tỉnh chỉ dừng học trực tiếp ở những trường có dịch và địa bàn có nguy cơ cao. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, nói rằng, nơi nào đang an toàn, các trường phải tận dụng thời gian để dạy học trực tiếp, hoàn thành chương trình.
Hai tháng sau lễ khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT thống kê, hiện có 23 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp; 15 địa phương dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến, truyền hình; 25 địa phương dạy học trực tuyến, truyền hình.
Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, GS.TS Trần Văn Chứ, cho biết, khi nào UBND thành phố Hà Nội cho phép học sinh tựu trường thì Trường ĐH Lâm nghiệp sẽ mở cửa đón sinh viên học trực tiếp. Trường dự kiến đón sinh viên năm cuối phải làm khóa luận, sinh viên phải thực hành, thực tập trực tiếp trở lại trường từ ngày 10/11, nhưng sinh viên phải có giấy chứng nhận đã tiêm ngừa Covid-19, được test nhanh và ở trong trường theo diện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông -Trường ĐH Mở Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Anh, cho biết, khoảng 50% sinh viên của trường đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, 70% được tiêm 1 mũi.
“Việc cho sinh viên trở lại giảng đường học tập không thực hiện theo hình thức “dàn hàng ngang” mà theo từng ngành, theo khóa học, trên cơ sở khảo sát dịch tễ. Toàn bộ các đơn vị của ĐH Thái Nguyên khi tổ chức học trực tiếp đều làm đề án báo cáo chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương phê duyệt”. Ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác học sinh, sinh viên - ĐH Thái Nguyên