Sau ngày thống nhất đất nước, khu di tích Trường Dục Thanh được trùng tu toàn bộ khuôn viên và các kiến trúc cũ. Thời gian khởi công từ tháng 11/1978 đến tháng 12/1980, trên cơ sở một phần di tích gốc còn lại và dựa theo lời kể, bản vẽ phác hoạ của 4 học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành năm 1910, gồm các cụ: Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng, Nguyễn Kinh Chi.
Khu di tích Trường Dục Thanh được khánh thành và đưa vào hoạt động với tổng diện tích hơn 4.000m2, gồm Trường Dục Thanh, nhà Ngư, nhà Ngọa Du Sào, nhà thờ cụ Nguyễn Thông, cây khế, giếng nước, vườn cây lưu niệm, cây ăn quả, cây cảnh…Tất cả đã tạo nên một quần thể có lối kiến trúc vừa cổ, vừa kim, có không gian thoáng mát trong lành.
Di tích văn hóa lịch sử Trường Dục Thanh đã để lại nhiều cảm xúc cho những người đến thăm, đặc biệt là giới trẻ. Nguyễn Anh Tuấn - sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) kể từng tham quan ngôi trường cách đây một năm. Ngồi giữa sân trường, nơi Bác Hồ từng dạy học thời trai trẻ, Tuấn bồi hồi, xúc động.
“Thầy giáo Nguyễn Tất Thành không đơn thuần dạy chữ cho học trò mà quan trọng hơn, Người giáo dục tinh thần yêu nước, giá trị truyền thống của dân tộc cho các em nhỏ. Điều đó cũng có nghĩa là, trong tâm trí thầy giáo trẻ lúc ấy, luôn chất chứa lòng yêu nước”, Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ cảm tưởng.
Nhiều văn nghệ sĩ cũng từng đến Trường Dục Thanh và nơi đây là đề tài cho nhiều bài thơ hay. Những kỷ vật trong ngôi trường hơn 100 tuổi, câu chuyện dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành được chuyển tải bằng những câu thơ giàu cảm xúc.
Như nhà thơ Giang Nam trong bài thơ “Thăm trường xưa Bác dạy”:
Ghế ngày xưa, Bác ngồi đọc sách
Căn gác này, Bác thức thâu đêm
Cây me mát những trò chơi tuổi trẻ
Màu hoa vàng như mặt trời lên.
Sông Cà Ty nước lớn, ròng hai buổi
Gió mặn khơi xa năm tháng đổ về
Nơi Bác dừng chân có lời ru của biển
Có mẹ nghèo vất vả sớm khuya…
Hay nhà thơ Huy Cận cũng đã ghi lại những cảm xúc của mình khi về thăm Dục Thanh, trong bài “Những cột buồm cao”:
Trường Dục Thanh vang vọng vẫn nghe
Tiếng thầy Thành dạy trẻ xưa kia.
Bác ơi, nước mất đau lòng Bác
Bác gọi lòng dân, nước lại về ...
Trong bài viết “Di tích Trường Dục Thanh - Phan Thiết và những giá trị về tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, chị Văn Thị Kim Hưng, cán bộ làm công tác thuyết minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận bày tỏ niềm xúc động: “Đến với di tích Dục Thanh, lòng mỗi người lại thấy bồi hồi xúc động, như thấy mình đang được sống lại những năm tháng xưa và đang được nghe những bài giảng của thầy giáo Nguyễn Tất Thành về tình yêu quê hương, đất nước; về trách nhiệm của mình đối với non sông.
Lòng mỗi người lại thấy nặng công ơn Bác, càng kính yêu Bác hơn. Chắc rằng không một ai sau khi thăm khu di tích mà không được tiếp thêm nguồn sức mạnh, không nảy sinh những tình cảm mới mẻ, lành mạnh; không một ai không tự nhủ thầm phải sống tốt hơn, làm việc tốt hơn”.
Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, xin phép trùng tu, phục dựng khu di tích Dục Thanh.
Sau khi khôi phục và giữ gìn, khu di tích Dục Thanh trở thành nơi thiêng liêng và thân thiết với mọi người dân Việt Nam nói chung, nhân dân Bình Thuận nói riêng. Khu di tích Dục Thanh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia vào tháng 12/1986.
Với những ai chưa có dịp đến Thủ đô Hà Nội, vào lăng viếng Bác, thăm khu di tích Phủ Chủ tịch có nhà sàn nơi Bác Hồ ở và làm việc, việc trùng tu, phục dựng và phát huy giá trị khu di tích Dục Thanh - Phan Thiết mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Mỗi hiện vật đều mang ý nghĩa lịch sử và gây xúc động với du khách khi có dịp thăm trường xưa Bác dạy, tất cả vẫn như ngày có Bác.
_______________________
* Ảnh: Sở VH-TT-DL Bình Thuận