Logo Tesla treo trên mặt tiền của một tòa nhà tại nhà máy Tesla gần thị trấn Gruenheide, bang Brandenburg, Đức. Ảnh: Getty Images
Theo Politico, các hiệu ứng lan tỏa có thể nhìn thấy được.
BASF hiện đang xây dựng một nhà máy cực âm ở bang này, nơi sẽ sản xuất vật liệu pin cho 400.000 xe điện mỗi năm, và công ty liên doanh Đức-Canada Rock Tech có kế hoạch mở nhà máy lithium lớn nhất châu Âu tại Brandenburg.
Porsche và công ty con chuyên sản xuất pin Cellforce cũng được cho là đang tìm cách mở cửa hàng trong khu vực.
Klaus-Heiner Röhl - nhà kinh tế cấp cao và chuyên gia về Đông Đức tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne - cho biết: "Phía đông Brandenburg có nền công nghiệp đặc biệt yếu kém… và sự xuất hiện của Tesla đã thay đổi điều đó."
Ông nói thêm rằng, Tesla "có thể tạo ra nhiều việc làm trong ngành công nghiệp hơn mức mà [việc loại bỏ than] làm mất đi".
Theo Politico, đó là một cú hích cho một khu vực - giống như phần còn lại của Đông Đức cũ - đang phải vật lộn và cho đến nay vẫn thất bại trong việc bắt kịp miền Tây giàu có hơn. Mức lương trung bình tại Brandenburg là một trong những mức thấp nhất so với bất kỳ bang nào ở Đức; tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình cả nước; và dân số ngày càng già đi do hàng triệu người trẻ di cư sang miền Tây trong 30 năm kể từ khi thống nhất nước Đức.
Marcel Fratzscher - người đứng đầu Viện kinh tế DIW của Đức - cho biết, điều đó hiện đã thay đổi nhờ khoản đầu tư của Tesla.
Với việc nhà máy Tesla tuyển dụng 11.000 nhân viên và sản xuất 5.000 ô tô mỗi tuần, Brandenburg đạt mức tăng trưởng GDP 6% trong năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước Đức không tăng trưởng và sản lượng công nghiệp sụt giảm.
Steffen Schorcht và Manu Hoyer điều hành phong trào công dân địa phương Bürgerinitiative Grunheide nhằm đấu tranh chống lại Tesla trong các vấn đề: áp lực giao thông gia tăng, giá thuê phòng tăng và thiếu nhân công cho các doanh nghiệp địa phương.
"Thật là một tội ác khi một công ty như vậy được phép hoạt động ở đây ngay từ đầu", Hoyer nói khi đứng trong vòng tròn giao thông khi những chiếc xe tải chở hàng của Tesla chạy ầm ầm qua.
Theo Politico, những nhà hoạt động cảm thấy khó chịu khi rừng thông hàng chục năm tuổi tại địa phương bị chặt hạ để nhường chỗ cho việc mở rộng nhà máy của Tesla. Một phần nhà máy đang được xây dựng trong khu vực bảo vệ nước uống và Tesla được phép lấy nhiều nước tương đương với một thị trấn nhỏ – trong khi người dân Brandenburg đang được kêu gọi tiết kiệm nước.
Và những lời phàn nàn đó có thể sẽ càng ngày càng gay gắt hơn.
Tesla đã nộp đơn lên chính quyền địa phương để mở rộng công suất nhà máy từ 500.000 ô tô/năm lên 1 triệu ô tô/năm. Nếu chuyện này thành sự thực, danh hiệu "nhà máy ô tô lớn nhất châu Âu" sẽ tuột khỏi tay nhà máy của Volkswagen ở Wolfsburg.
Ngoài ra, Tesla cũng muốn tăng gấp đôi công suất của cơ sở sản xuất pin từ 50 GWh/năm lên 100 GWh.
Để làm như vậy, Tesla sẽ phải phá bỏ nhiều rừng hơn và mở rộng diện tích nhà máy của mình. Và kế hoạch này đã thu hút những người biểu tình đến địa điểm này vào tháng trước.
Theo Politico, kế hoạch của Tesla cũng vấp phải sự phản đối từ đơn vị cấp nước địa phương. Họ đã từ chối giá thầu ban đầu vào tháng 4 vì lo ngại rằng bang Brandenburg có quá ít nước để cung cấp cho nhà máy và Tesla không có kế hoạch xử lý nước thải phù hợp.
Và bên trong nhà máy, khoảng một nghìn công nhân gần đây đã phản đối điều kiện làm việc tồi tệ, bao gồm cả các vấn đề về sức khỏe và an toàn. Ban quản lý nhà máy được cho là đã tăng lương trong một động thái trấn an người lao động.