Nồng ấm tình yêu nghề giáo

Hà Nguyên | 26/01/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dạy học với những thầy, cô giáo ấy không đơn thuần là nghề, mà còn là nghiệp. 

Đường lên Tắk Pổ giờ đây đã có thể đi được xe máy. Một ngôi trường mới, kiên cố, hiện đại từ nguồn xã hội hóa được đưa vào sử dụng. Mấy chục cây anh đào được nhà hảo tâm gửi tới tặng điểm trường, triền đồi đầy thơ mộng trong nay mai. Có điện mặt trời, có đường, cuộc sống của bà con Tắk Pổ đang đổi thay từng ngày từ những kết nối của các thầy, cô giáo. Có đường, bà con sẽ thuận tiện vận chuyển nông sản, dược liệu về trung tâm xã để bán. Dự án trồng thí điểm cây sâm Ngọc Linh cũng đang triển khai, hứa hẹn ngày mai no ấm.

Cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) không nhớ bao nhiêu lần mình bị ngã xe, lấm lem bùn đất trong hơn 12 năm dạy học. Chừng đấy thời gian, cô đã phải thay 3 chiếc xe máy. Nhiều hôm xe hỏng, cô đành phải để lại dọc đường rồi đi bộ vào làng dạy học. Thế nhưng, dù theo lịch phân công, mỗi tuần chỉ phải trực hướng dẫn cho học sinh nội trú tự học, nhưng cô Trang luôn sắp xếp việc nhà để có thể ở lại với các em nhiều hơn. “Học sinh nắm chắc kiến thức thì sẽ không sợ học, không nghĩ đến chuyện nghỉ học, thầy, cô giáo vì vậy cũng đỡ vất vả hơn…”, cô Trang giải thích.

Thầy Nguyễn Văn Thông cười hiền khi được hỏi tại sao lại chọn tình nguyện từ vùng xuôi lên dạy học ở xã vùng biên giới Đông Giang khi Trường THPT Võ Chí Công (Quảng Nam) vừa mới thành lập, còn ngổn ngang khó khăn, thiếu thốn. Đang dạy môn Địa lý ở Trường THPT Thái Phiên (huyện Thăng Bình), thầy Thông đăng ký chuyển công tác lên vùng núi xa xôi, hiểm trở, sống giản dị trong khu nội trú, cùng ăn, cùng ở với học sinh. Học sinh của thầy cũng dần vững vàng, cứng cáp, tự tin hơn qua mỗi mùa thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Niềm vui đó, bù đắp lại cho những hy sinh hạnh phúc cá nhân của thầy, khi để lại quê nhà vợ và con nhỏ có khi vài tháng mới lại được đoàn tụ.

Nồng ấm tình yêu nghề giáo ảnh 2

Niềm vui của học sinh điểm trường Tăk Râu (thôn 2, xã Trà Nam, Nam Trà My) trong ngày làm lễ bàn giao công trình cải tạo trường học từ nguồn xã hội hóa.

Ấm thêm từ những bàn tay

Trong vụ sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Sinh (xã Trà Vân, Nam Trà My) tháng 10/2020, chị em Đinh Hoàng Thái, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Trà Vân bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Ba mẹ và 2 em của Thái, một em đang học mẫu giáo, một em mới sinh bị vùi lấp sâu dưới đống đổ nát. Những ngày Thái được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để điều trị do bị gãy chân, nhà trường đã luân phiên cử thầy, cô giáo chăm sóc em. Sự ngơ ngác của Thái nhờ vậy cũng được xoa dịu đi rất nhiều nhờ có sự đùm bọc, chăm sóc, yêu thương của thầy cô cho chuỗi ngày dài sau đó.

Sau thảm họa sạt lở núi tháng 11/2017, thầy Lê Châu Khánh được trường tiểu học phân công về làng Khe Chữ để sớm ổn định dạy học. Trong cuộc đời dạy học của mình, thầy Châu có lẽ chưa bao giờ tưởng tượng được rằng, sẽ có những thời điểm dùng miếng ván nhỏ để thay thế bảng đen, phấn trắng là mẩu than củi nhặt lại trong đống đổ nát của mấy chục ngôi nhà dân sót lại. Trẻ con phải đến trường để người lớn còn dựng lại nhà cửa, lo toan nhiều nỗi sau những đau thương, mất mát.

Thầy Khánh kể, lúc đấy, dù có phân tâm đến mấy giữa những chộn rộn, bộn bề của bà con thì cũng phải tìm mọi cách vận động trẻ đến trường. Các em đi học trở lại, dẫu thiếu thốn thì đó cũng là dấu hiệu để người dân bắt nhịp lại với cuộc sống bình thường. Mấy chục học trò chung nhau hai quyển sách, không bút, không vở vì đã bị vùi lấp hết cả.

Thầy Khánh cùng với cô Hồ Thị Ngọ, giáo viên đứng điểm lớp mẫu giáo đã nhận luôn phần lo bữa cơm trưa cho học trò ở lại trường. Có như thế thì phụ huynh mới có thời gian sớm dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống ở nơi ở mới. Rồi nhịp sống ở Khe Chữ dần trở lại, trong ngậm ngùi vẫn có những ấm áp, cưu mang của thầy, cô giáo giữa những ngày lòng người còn tao tác. Hết năm học đó, khi Khe Chữ có trường mới kiên cố, thầy Khánh trở về trường chính dạy học. Nhưng những kỷ niệm ở Khe Chữ vẫn thật khó quên trong tâm trí của người thầy giáo trẻ.

Khó để đong đếm hết những chăm chút, yêu thương của đội ngũ thầy, cô giáo đang ngày ngày gắn bó với những bản làng vùng khó. Từ lo bữa ăn, cái mặc, đôi ủng đi mưa, áo ấm trong những ngày đông giá rét đến những dự án dài hơi nhằm trao sinh kế bền vững cho phụ huynh để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Thầy, cô giáo nào cũng tự nhận thêm một sứ mệnh đặc biệt – làm người kết nối để học sinh được nhận thêm nhiều hỗ trợ từ các câu lạc bộ thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước. Những nguồn lực này đã và đang tăng cường các điều kiện cần thiết cho sinh hoạt, học tập của học trò tốt và đầy đủ hơn.

“Đối với người khác, “thành công” là một cái gì đó to lớn hay cao sang nhưng với bản thân thì đơn giản. Chỉ cần thấy tụi nhỏ hợp tác, biết bản thân phải thực hiện nhiệm vụ. Có cái màu chữ tim tím, xanh xanh trong trang vở nộp cho cô là “thành công” và vui rồi. Còn chuyện trong những nét chữ ấy thể hiện đúng hay sai nội dung cô giao thì tính sau…”. - Cô giáo Nguyễn Thị Trang, Trường Tiểu học – THCS Ba Lế (Ba Tơ, Quảng Ngãi)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nong-am-tinh-yeu-nghe-giao-post623622.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nong-am-tinh-yeu-nghe-giao-post623622.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nồng ấm tình yêu nghề giáo