Cụ thể, trong hơn 1.900 ĐH, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng cùng nằm trong nhóm 601-800 thế giới, vẫn dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam. ĐHQG Hà Nội nằm trong nhóm 1.201-1.500. ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Huế cùng xếp thứ 1.501+.
Trên thang điểm 100, ĐHQG Hà Nội dẫn đầu trong các ĐH Việt Nam về khía cạnh giảng dạy với 20,9. Còn Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân có thế mạnh ở chất lượng nghiên cứu với 90,6 và 87,5 điểm; khía cạnh này số điểm của ĐH Huế là 16,4 và ĐH Bách khoa Hà Nội là 46,8 điểm.
Đáng chú ý, Trường ĐH Mở TPHCM lần đầu vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới, nhưng với trạng thái "reporter" (nhóm được báo cáo). Điều này đồng nghĩa đơn vị này cùng 768 tổ chức khác đều chưa có thứ hạng vì chỉ đạt được một số tiêu chí nhất định, chứ không đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng đang nỗ lực để được xếp hạng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023. |
Một sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua là Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 (HaFPES 2023) do Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN chủ trì tổ chức vào ngày 27/10. Đây là diễn đàn quy mô với nhiều báo cáo chất lượng từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Cụ thể, HaFPES 2023 được tổ chức trong không gian mở nhằm tạo ra một môi trường học thuật chuyên sâu, tạo ra các không gian thảo luận theo từng chủ đề, chia sẻ về những trường phái, xu hướng và phương pháp nghiên cứu mới, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có những đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học.
HaFPES 2023 nhận được tổng cộng 136 công trình nghiên cứu từ các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước, với 95 bài toàn văn được gửi phản biện và 71 bài đã được duyệt đăng trong Kỷ yếu Hội thảo.
Trực tiếp báo cáo tại Hội thảo có 34 công trình nghiên cứu từ 33 tác giả trong nước và 18 tác giả quốc tế đến từ (Mỹ, Thái Lan, Anh, Nhật Bản, Nauy, Hàn Quốc) tập trung vào 5 chủ đề quan trọng của giáo dục đương đại bao gồm:
Lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ chính sách đến thực tiễn; Giáo dục sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; Xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức; Công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0: Từ Nghiên cứu đến Ứng dụng trong giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá HaFPES 2023 là sự kiện quan trọng, tập hợp được các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu về giáo dục, các thầy cô giáo hàng đầu của cả nước, cũng như các nhà khoa học quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Nghiên cứu về khoa học giáo dục của Việt Nam đã có từ lâu, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, đặc biệt đưa ứng dụng các nghiên cứu để ban hành các chính sách.
Trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi của khoa học công nghệ, của tri thức theo diễn tiến thời đại rất nhanh, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt các xu thế, có những dự báo về tương lai. Đây là những vấn đề đặt ra cho khoa học giáo dục của chúng ta.