Nóng trong tuần: HS Việt Nam thắng lớn trên đấu trường quốc tế

29/05/2023, 06:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

HS gặt hái thành tích tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, Olympic Vật lí Châu Á - Thái Bình Dương là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày 25/5, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 2487/BGDĐT-QLCL về việc miễn thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo công văn này, trong kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2023 có 140 học sinh lớp 12 tham gia dự thi.

Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT, các đại học, trường đại học có trường THPT chuyên thực hiện miễn thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đối với các thí sinh nói trên. Việc này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Nóng trong tuần: HS Việt Nam thắng lớn trên đấu trường quốc tế ảnh 4

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam.

Tiếp tục quan tâm, chia sẻ, ủng hộ ngành Giáo dục

Tuần qua, 2 sự kiện đáng chú ý có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn là: Hoạt động của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương thăm, làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội họp phiên toàn thế lần thứ 5.

Phát biểu tại buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định mối quan hệ phối hợp khăng khít giữa Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam và đặc biệt đánh giá cao vai trò của Hội trong phát triển, đổi mới GD-ĐT nói chung.

Bộ trưởng cho biết: Đây là thời điểm chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Hơn lúc nào hết, việc hô ứng, tham gia của Hội Khuyến học Việt Nam là vô cùng quan trọng, góp phần cùng Bộ GD&ĐT hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong đó, một số việc được Bộ trưởng cho là việc lớn, trọng tâm, trọng điểm, đúng lúc, giúp tạo một lực đẩy lớn hơn mong được Hội quan tâm, như: Đánh giá về đổi mới giáo dục phổ thông; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29; phổ cập giáo dục, vận động đưa trẻ đến trường…

Bộ trưởng cũng mong muốn sự phối hợp, hỗ trợ từ Hội Khuyến học Việt Nam nhằm lan tỏa các chính sách; đồng thời ghi nhận ý kiến phản hồi, phản biện, những khó khăn vướng mắc từ xã hội khi triển khai chính sách của Bộ GD&ĐT.

Nóng trong tuần: HS Việt Nam thắng lớn trên đấu trường quốc tế ảnh 5
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại phiên họp.

Tại phiên toàn thế lần thứ 5 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ hàng loạt công việc ngành Giáo dục đang và sẽ phải làm như: Đánh giá giai đoạn 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023; chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa cho năm học mới, thẩm định sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12; xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29…

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, chia sẻ ủng hộ ngành Giáo dục; trong đó có một số việc cụ thể như: Tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên; dành quỹ đất cho giáo dục để mở đường cho xã hội hóa trong giáo dục.

Riêng về tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, Bộ trưởng cho biết: Sau khi vấn đề này được Bộ GD&ĐT đề nghị ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xem xét phương án cụ thể.

Bộ GD&ĐT đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Hiện phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.

Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến bất cập trong thực hiện Nghị định 116 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT đang gấp rút xây dựng Nghị định 116 sửa đổi, đáp ứng yêu cầu về đào tạo giáo viên.

Ngày 28/8, Bộ GD&ĐT đã thông tin về việc sử dụng môn Văn trong tuyển sinh Y khoa ở một số cơ sở giáo dục đại học tư thục. Trong đó cho biết: Quy chế tuyển sinh hiện hành (ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022) của Bộ GD&ĐT đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.

Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Các trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, và về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-hs-viet-nam-thang-lon-tren-dau-truong-quoc-te-post640694.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-hs-viet-nam-thang-lon-tren-dau-truong-quoc-te-post640694.html
Bài liên quan
Nóng trong tuần: Quy chế tuyển sinh THCS và THPT
Ban hành Quy chế tuyển sinh THCS, THPT; Bộ GD&ĐT tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 là tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: HS Việt Nam thắng lớn trên đấu trường quốc tế