Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 trình Bộ Chính trị, gồm: Dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị; dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị. Hiện dự thảo này đã được gửi xin ý kiến góp ý của Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Bộ trưởng, dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động cho đến khi hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 trình Bộ Chính trị.
Thông tin tóm tắt quá trình triển khai tổng kết 10 năm Nghị quyết 29, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, đến nay, 63 tỉnh ủy, thành ủy và 18 bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã gửi báo cáo tổng kết Nghị quyết 29 về Bộ GD&ĐT.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết của các địa phương, bộ, ban, ngành, cơ quan và thực tế triển khai trong cả nước, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Dự thảo cũng kế thừa các nghiên cứu về giáo dục - đào tạo đã có.
Bộ GD&ĐT đồng thời tổ chức các hội thảo chuyên đề về: giáo dục mầm non; giáo dục đại học; khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT giao 2 Đại học Quốc gia (ĐHQG) thực hiện 2 nghiên cứu chuyên đề và cả 2 ĐH đã có báo cáo. Ngoài ra, có hơn 100 cơ sở giáo dục ĐH đã có báo cáo tổng kết gửi Bộ.
Quang cảnh buổi làm việc chiều 28/11. Ảnh: VGP/MK. |
Trước đó, chiều 28/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ GD&ĐT, cùng các bộ, ngành liên quan, một số địa phương về tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Phó Thủ tướng cho rằng công tác tổng kết cần bám sát nội dung đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận số 51/KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, từ công tác thể chế hoá đến tổ chức triển khai thực hiện, trong đó, tập trung phân tích, đánh giá khách quan tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đối với những mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng, trước bối cảnh yêu cầu trong nước và quốc tế thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thì hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại. Từ đó, chúng ta sẽ xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định, kiên trì triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới từ thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới.
Tuần qua, vòng chung kết Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài” năm 2023 đã diễn ra tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội giành giải Nhất. 2 giải Nhì thuộc về các đội: Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Cửu Long.
Giải Nhất thuộc về đội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
3 đội đoạt giải Ba gồm: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh; Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.
6 đội đoạt giải Khuyến khích gồm: Trường Đại học Y khoa Vinh; Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trường Hữu Nghị 80; Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Kiên Giang; Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Phát biểu tại cuộc thi chung kết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi, cho biết, trong xu thế hội nhập và phát triển, tiếng Việt là cầu nối quan trọng gắn kết quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế. Vì vậy, việc dạy và học tiếng Việt luôn được Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng, cải thiện, nâng cao chất lượng trong những năm qua.
Cuộc thi được Bộ GD&ĐT tổ chức nhằm tạo điều kiện cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam được giao lưu, thi đua học tập, tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
"Bộ GD&ĐT Việt Nam luôn xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng giảng dạy, học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt. Việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết.