Giáo dục

Nóng trong tuần: Sẵn sàng thi tốt nghiệp THPT; hợp tác giáo dục Việt Nam-LB Nga

24/06/2024 07:11

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga, điểm chuẩn vào lớp 10... là thông tin giáo dục được chú ý tuần qua.

Sẵn sàng thi tốt nghiệp THPT 2024

Tuần qua, trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 về việc tổ chức Kỳ thi và việc quản lý trẻ em, học sinh trong dịp nghỉ hè.

Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và quán triệt các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức có liên quan tham gia, phối hợp có hiệu quả với ngành Giáo dục để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.

Chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục: Triển khai các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi, chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi;

Tạo điều kiện thuận lợi về ăn ở, đi lại cho học sinh đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, học sinh khuyết tật và học sinh tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai tham dự kỳ thi với phương châm không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về kinh tế, đi lại;

Chủ động các phương án để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cung ứng đầy đủ điện, nước sinh hoạt trong quá trình tổ chức kỳ thi. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thi, đưa thông tin không đúng về kỳ thi.

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả Kỳ thi…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Liên quan đến nội dung này, chiều 21/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Trước đó, sáng 20/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố.

Tiếp tục chương trình kiểm tra tại các địa phương, ngày 17 và 18/6, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia cùng thành viên Đoàn công tác số 1 Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đã làm việc với thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc về công tác chuẩn bị Kỳ thi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Thành Long và Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko trao Hiệp định hợp tác giáo dục đại học trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Thành Long và Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko trao Hiệp định hợp tác giáo dục đại học trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Việt Nam - Liên bang Nga ký Hiệp định hợp tác trong giáo dục đại học

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại Việt Nam từ ngày 19-20/6, được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko đã ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Căn cứ Hiệp định, phía Nga cấp ít nhất 1000 suất học bổng cho Việt Nam mỗi năm, phía Việt Nam tiếp tục cấp không dưới 75 suất học bổng/năm. Hiệp định cũng bỏ các ràng buộc về ngành nghề đào tạo, trình độ/chương trình đào tạo nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam chủ động trong việc cử người đi học các ngành nghề, lĩnh vực và trình độ mà Việt Nam có nhu cầu; bổ sung các quy định cụ thể về việc tạo điều kiện cho du học sinh trong quá trình sinh sống và học tập ở nước ngoài...

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã tiếp đón và làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko và thăm Phân viện Puskin tại Hà Nội.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chernyshenko tái khẳng định phía Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính và nhân lực để nâng cấp Phân viện Puskin tại Việt Nam thành Trung tâm Puskin, để Phân viện phát huy thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ, văn hóa và giáo dục Nga, hỗ trợ phát triển việc nghiên cứu, dạy và học tiếng Nga, văn học Nga ở Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu định hướng tại Hội thảo tham vấn chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu định hướng tại Hội thảo tham vấn chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Tiếp tục các hoạt động góp ý dự thảo Luật Nhà giáo

Tuần qua diễn ra các hoạt động góp ý dự thảo Luật Nhà giáo. Đáng chú ý, trong 2 ngày (17, 18/6), tại thành phố Đà Nẵng, đại diện 60 Sở GD&ĐT tỉnh/thành phố đã tham dự Hội thảo góp ý dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo.

Tại đây, bên cạnh góp ý sửa đổi, bổ sung vào từng điều khoản để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật, ý kiến từ các sở GD&ĐT cũng đề nghị bổ sung thêm một số nội dung chưa quy định trong dự thảo như: quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề, nhà giáo được điều động lên làm tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, quy định phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non công lập…

Theo ý kiến từ sở GD&ĐT, dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định chi tiết hơn về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, các biện pháp bảo vệ nhà giáo trước áp lực công việc, áp lực từ phía phụ huynh học sinh, nhà trường, xã hội,… và các công việc khác không liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, đặc biệt là đối với nhà giáo ở các vùng khó khăn.

Tiền lương của nhà giáo nên được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp vì phải đảm bảo đời sống cho nhà giáo thì nhà giáo mới yên tâm công tác, cống hiến cho ngành Giáo dục.

Các đại biểu dự hội thảo được chia thành 5 nhóm để thảo luận chi tiết từng quy định, nhóm chính sách của dự thảo Luật.
Các đại biểu dự hội thảo được chia thành 5 nhóm để thảo luận chi tiết từng quy định, nhóm chính sách của dự thảo Luật.

Ngày 21/6, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự hội thảo.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, TP.HCM là một trong những địa phương có số lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục lớn nhất cả nước. Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT TP đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về dự thảo Luật Nhà giáo và đã nhận được hơn 60.000 ý kiến, trong đó đều đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật và góp ý chi tiết vào các quy định, chính sách trong dự thảo Luật.

Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Sở GD&ĐT cùng các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của TP.HCM, Thứ trưởng mong muốn các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non đến phổ thông của TP trao đổi, góp ý thẳng thắn xuất phát từ chính mong muốn của bản thân, xuất phát từ thực tiễn thực hiện công việc.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý từ đại diện các Phòng thuộc Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện, thành phố; cán bộ quản lý trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề, trường giáo dục chuyên biệt xung quanh chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Liên quan đến nội dung này, ngày 19/6, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam và Hội Cựu Giáo chức Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến chế độ, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định trong Luật Nhà giáo.

Nhiều địa phương công bố điểm chuẩn vào lớp 10

Tuần qua, nhiều địa phương đã công bố điểm chuẩn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Yên, Cần Thơ, Vĩnh Phúc…

Bài liên quan
NÓNG trong tuần: Lộ thủ phạm sát hại hơn 100 binh sĩ ở Burkina Faso
Một nhóm vũ trang có liên hệ với tổ chức al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 11/6 khiến 107 binh sĩ Burkina Faso thiệt mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Sẵn sàng thi tốt nghiệp THPT; hợp tác giáo dục Việt Nam-LB Nga