Nóng trong tuần: Tăng cường chuyển đổi số giáo dục; ổn định công tác tuyển sinh

Kim Thoa (t/h) | 21/03/2022, 07:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT khẳng định tạo mọi thuận lợi cho thí sinh trong kỳ tuyển sinh 2022; Vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục; Bộ GD&ĐT Việt Nam là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ mới;… là những nội dung GD đáng chú ý.

Ảnh minh hoạ/INT.Ảnh minh hoạ/INT.

Tạo mọi thuận lợi cho thí sinhtrong tuyển sinh 2022

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2022 ổn định như năm trước, chỉ điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở GD đại học.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm nay, Bộ GD&ĐT chủ trương tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và lọc ảo. Việc này tạo thuận lợi cho thí sinh trong khâu đăng ký và gửi các minh chứng; đồng thời giúp các cơ sở đào tạo giảm được thí sinh ảo.

Năm nay, cũng ghi nhận các cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển. Đây cũng là ưu điểm của tự chủ đại học. Tuy nhiên, các trường phải tăng trách nhiệm giải trình với người học, xã hội và phải bảo đảm công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức khác nhau.

Cùng nội dung, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Chủ trương của Bộ sẽ không sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT, vẫn giữ ổn định như những năm trước. Nội dung thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi mẫu có thể áp dụng, vận dụng như năm ngoái.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, từ nay đến lúc dự kiến thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ tham vấn với địa phương, đơn vị chức năng để quyết định thời điểm, số lần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo thuận lợi, công bằng cho các thí sinh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và hoàn thiện phần mềm để thí sinh đăng kí dự thi THPT trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin của Bộ, theo chủ trương của Chính phủ.

Ảnh minh hoạ/INT.

Thúcđẩy chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo

Trong tuần, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT. Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Minh Sơn.

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án).

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục; đồng thời khẳng định, đây là việc lớn, khó và phức tạp với nhiều thách thức đặt ra. Tuy nhiên, đây cũng là việc phải làm và nếu làm được sẽ có sức lan tỏa rất lớn.

Để việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục phù hợp và hiệu quả, Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề như: sự tương thích với chuyển đổi số quốc gia; sự phân cấp với địa phương trong triển khai nhiệm vụ; sự tính toán, lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện sao cho có trọng tâm, trọng điểm, để vừa đảm bảo tính lâu dài nhưng cũng phải góp phần giải quyết được ngay một số vấn đề trước mắt đang đặt ra với ngành; sự thay đổi về tư duy, nhận thức, thể chế để phù hợp với yêu cầu của quá trình chuyển đổi…

Tính kế thừa và đảm bảo tính bền vững cho tương lai cũng là những mục tiêu mà theo Bộ trưởng cần đạt được khi thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài ra, Bộ trưởng còn đặc biệt lưu ý tới vai trò quyết định của từng đơn vị vụ, cục trong triển khai nhiệm vụ.

Bộ trưởng yêu cầu sớm ban hành Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, đồng thời, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng để phát huy hết trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 - 2023. (Ảnh tư liệu)

Việt Nam là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 - 2023

Ngày 16/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chính thức tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 - 2023. Trước đó, vai trò này do Bộ Giáo dục Philippines đảm nhiệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Bộ Giáo dục Philippines đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ. Đây là một giai đoạn rất khó khăn do những tác động của Covid-19 gây ra. Vì vậy, những kết quả mà Bộ Giáo dục Philippines đạt được càng cần được ghi nhận và đánh giá cao.

Theo Bộ trưởng, trong hai năm qua, giáo dục đã phải chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19. Chúng ta đã cùng trải qua những khó khăn tương tự, như việc phải đóng cửa trường học; những khó khăn khi thực hiện dạy và học hoàn toàn trực tuyến và qua truyền hình; những vấn đề về sức khỏe và sự an toàn của học sinh phát sinh khi không được đến trường một thời gian dài; nguy cơ việc hổng kiến thức, kỹ năng của học sinh và việc bảo đảm an toàn cho học sinh quay trở lại trường học khi tình hình cho phép.

“Bộ GD&ĐT Việt Nam vinh dự tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 - 2023 trong bối cảnh mới. Như các báo cáo phân tích giáo dục thường đề cập: “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ GD&ĐT Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Tăng cường chuyển đổi số giáo dục; ổn định công tác tuyển sinh