Ngày 12/10, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn, nhằm khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trong buổi sáng, Đoàn có buổi làm việc với Huyện ủy huyện Kiến Thụy; buổi chiều làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng.
Tiếp tục chương trình khảo sát, chiều 13/10, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy Thái Bình. Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 tại Huyện ủy Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Thứ trưởng lưu ý: Càng đổi mới thì khó khăn, thách thức càng nhiều. Vì vậy, đổi mới phải có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; không quá sốt ruột hoặc quá cầu toàn.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị địa phương làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới, đảm bảo hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và cơ sở vật chất hướng tới chuẩn hóa...
Đề cập đến công tác xã hội hóa, Thứ trưởng cho rằng cần nhận thức phù hợp, xã hội hóa không chỉ là hỗ trợ, là từ thiện mà phải huy động mọi nguồn lực để đầu tư, từ cơ chế, chính sách, đến huy động mọi nguồn lực xã hội một cách phù hợp; xã hội hóa phải gắn với sự đầu tư của Nhà nước, với tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khi khảo sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại Trường Đại học Hồng Đức. |
Ngày 13/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dẫn đầu đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khảo sát thực tế và làm việc với Trường ĐH Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa.
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian 10 năm đổi mới tại nhà trường và nhận định, để có những kết quả này, là một trường ĐH trực thuộc địa phương, Trường ĐH Hồng Đức đã nhanh chóng thích nghi, tháo gỡ khó khăn và từng bước đổi mới.
Thứ trưởng nhận định: Trong bối cảnh cần thiết phải thay đổi để phát triển, lĩnh vực giáo dục ĐH đã có những chuyển biến mang diện mạo mới. Việc nhìn lại kết quả đạt được trong 10 năm qua, chúng ta có cái nhìn sâu sắc, đánh giá toàn diện, đúng đắn, biết được những hạn chế, điểm nghẽn để có những đề xuất, định hướng đúng đắn trong thời gian, giai đoạn tiếp theo.
Về công tác lãnh đạo, thời gian qua trong các cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở giáo dục ĐH nói riêng phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy, nhất là trong bối cảnh tự chủ ĐH. Trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục thì yêu cầu về lãnh đạo của Đảng trong các cơ sở giáo dục ĐH càng trở nên quan trọng.
Ảnh minh họa/ITN. |
Tuần qua, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT ngày 10/10/2023 quy định về thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thay thế Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT.
Theo đó, Thông tư 17 quy định số lượng thí sinh của các đơn vị tối đa là 10 thí sinh; riêng thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội 20 thí sinh. Về ra đề thi, chấm thi; về tiêu chuẩn, điều kiện các thành viên tham gia Hội đồng coi thi Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế,…tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, sở giáo dục và đào tạo trong các khâu tổ chức thi.
Tiếp tục duy trì tổ chức buổi thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; đối với Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thay việc tổ chức buổi thi thực hành trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bằng việc đề thi các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.
Quy chế mới tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, có 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Bổ sung Giấy chứng nhận trong kỳ thi. Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi nhưng không đoạt giải, điều này giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về tham gia Kỳ thi.
Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra để thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của Bộ GDĐT; nâng cao trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học và giáo viên trường THPT tham gia tổ chức thi.
Quy chế mới cũng bổ sung các quy định liên quan đến vận chuyển đề thi để khi cần thiết triển khai vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ và hình thức thi thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội đối với môn tin học. Linh hoạt trong quy định địa điểm tổ chức thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế.
Ngày 9/10 Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023. Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực tổ chức. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dự và phát động cuộc thi.
Được phát động lần đầu tiên vào năm 2018, cuộc thi là cơ hội để lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với các thầy giáo, cô giáo và các nhà trường, góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của mỗi học sinh, sinh viên với trường, lớp và thầy cô. Đây cũng là dịp động viên, khuyến khích các thầy cô giáo vượt qua khó khăn, tiếp tục có những cống hiến cho ngành Giáo dục và xã hội.