Thành tích cao Olympic Sinh học quốc tế 2024, một số địa phương tuyển bổ sung vào lớp 10... là thông tin giáo dục đáng chú ý trong tuần qua.
Ngày 13/7, Bộ GD&ĐT nhận được thông tin về kết quả của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024.
Đội tuyển Việt Nam có 4 học sinh dự thi. Kết quả, 4/4 học sinh đoạt Huy chương, gồm 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Với thành tích này Việt Nam đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Giành Huy chương Vàng là các em: Đặng Tuấn Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội; Nguyễn Tiến Lộc, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Sĩ Hiếu, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng.
Huy chương Bạc thuộc về em Hồ Đức Trung, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học, Tỉnh Thừa thiên - Huế.
Thành tích 4/4 học sinh đoạt huy chương, với 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc tại Olympic Sinh học quốc tế năm 2024 là thành tích tốt nhất của học sinh Việt Nam kể từ năm 2019. Đặc biệt, nhiều học sinh Việt Nam đạt thành tích cao ở các bài thi thực hành vốn đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn tại kỳ thi này.
Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) lần thứ 35 năm 2024 được tổ chức tại nước Cộng hòa Kazakhstan từ ngày 7/7/2024 đến ngày 13/7/2024. Đây là kỳ thi có số quốc gia tham gia lớn nhất từ trước tới nay, với 81 quốc gia, vùng lãnh thổ và 320 thí sinh dự thi.
Theo Quy chế của Hiệp hội IBO Quốc tế kỳ thi trao giải cho không quá 10% thí sinh dự thi đạt Huy chương Vàng, 20% thí sinh đạt Huy chương Bạc, và 30% thí sinh đạt Huy chương Đồng. Tổng số huy chương được trao năm nay gồm: 28 Huy chương Vàng; 56 Huy chương Bạc; 84 Huy chương Đồng.
Đề thi năm nay đòi hỏi thí sinh am hiểu cả về lý thuyết và thành thạo các kỹ năng thực hành, vận dụng đúng và hiệu quả các kiến thức, kỹ năng của sinh học từ kinh điển tới hiện đại trong giải quyết nhiều bài toán đa dạng của các vấn đề toàn cầu.
Tuần này, những thông tin về thi tuyển sinh vào lớp 10 tiếp tục “nóng” với việc một số địa phương giảm điểm chuẩn, bổ sung chỉ tiêu.
Trong đó, Hà Nội gây chú ý nhất với số trường được tuyển bổ sung lên đến con số trên 60 (cả chuyên và không chuyên). Hàng chục nghìn học sinh được xác định đủ điều kiện trúng tuyển.
Mức hạ điểm chuẩn dao động từ 0,25 đến 3 điểm. Hai trường THPT được tuyển sinh tràn tuyến là Minh Quang và Đoàn Kết - Hai Bà Trưng. Điều kiện xét tuyển bổ sung vào Trường THPT Minh Quang là từ 17 điểm trở lên; Trường THPT Đoàn Kết từ 25,75 điểm trở lên với 62 chỉ tiêu.
Tại Hải Phòng, chiều 12/7, Sở GD&ĐT công bố điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 THPT (lần thứ 2) năm học 2024-2025. Theo đó, có 37/39 trường thay đổi điểm chuẩn.
Cụ thể, 3 trường THPT là Ngô Quyền, Thái Phiên, Trần Nguyên Hãn giữ nguyên điểm chuẩn nhưng thay đổi tiêu chí phụ; hầu hết các trường giảm nhẹ điểm; riêng Trường THPT Cát Bà giảm mạnh, từ 22,25 điểm xuống chỉ còn 13 điểm.
Sở GD&ĐT Phú Thọ có quyết định điều chỉnh điểm trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 vào ngày 8/7.
Theo đó, có 20 trường THPT được điều chỉnh điểm, một số trường điều chỉnh điều kiện trúng tuyển điều chỉnh giảm về cả điểm thi và điểm trung bình lớp 9. Những trường còn lại giữ nguyên điểm xét tuyển những lại thay đổi điều kiện về điểm trung bình môn học lớp 9.
TP. Hồ Chí Minh năm nay chủ trương không giảm điểm chuẩn và tuyển bổ sung. Hiện Sở GD&ĐT đang tổng hợp đề xuất của các trường để đưa ra chỉ tiêu tuyển bổ sung vào lớp 10 năm học tới.
Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh có điểm thi cao và trên cơ sở tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu.
Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh có văn bản thống nhất chủ trương điều chỉnh tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025 từ 70% lên 74%. Dự kiến, điểm chuẩn Kỳ thi vào lớp 10 THPT Hà Tĩnh cũng sẽ được công bố trong tháng 7/2024.
Tuần qua, thông tin về công tác chuyển đổi số trong ngành Giáo dục được chia sẻ tại 3 sự kiện quan trọng: phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì; họp Ban Chỉ đạo chuyển đối số và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì; họp đánh giá quá trình triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì.
Tại phiên họp do Thủ tướng chủ trì, theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, Bộ GD&ĐT đã phát huy vai trò thường trực trong các nhiệm vụ về giáo dục, đào tạo, điển hình: Chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2024; ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm học bạ số, tổ chức hội nghị triển khai tới 63 địa phương.
Với dịch vụ công “đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng”: Đây là năm thứ 3 triển khai dưới hình thức đăng ký trực tuyến, trong kỳ thi năm 2024, đã có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi thành công; trong đó 1.029.678 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm tỷ lệ 96,11%, tăng 0,3% so với năm 2023, tiết kiệm 297,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo chuyển đối số và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GD&ĐT, đến nay, Bộ đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục; kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành Giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân. Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép 100% học sinh khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ gần 700.000 thí sinh đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.
Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp. Mỗi năm phục vụ hàng triệu thí sinh thực hiện tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT sử dụng dịch vụ này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính đối với ngành Giáo dục và nhấn mạnh tới việc cần bắt đầu từ tư tưởng, nhận thức và phải vượt qua được “ngại” để dám làm trong công việc này.
Với công việc chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng trong công việc là không giới hạn, vai trò quản lý phải đi sớm hơn, phải bắt đầu làm ngay.
Về triển khai học bạ số, Bộ trưởng lưu ý đơn vị đầu mối bên cạnh đánh giá hoạt động thí điểm cần đề xuất các việc làm tiếp theo để chuẩn bị ứng dụng từ đầu năm học mới. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, Bộ trưởng yêu cầu triển khai một số chuyên đề sâu với sự tham gia của các chuyên gia; trong đó lưu ý việc làm sao để phát huy sự hỗ trợ của AI giải quyết một số vấn đề mà ngành đang đối mặt.
Liên quan đến thí điểm học bạ số, ngày 8/7, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm học bạ số Bộ GD&ĐT đã họp đánh giá quá trình triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học tại các địa phương thời gian qua và trao đổi các công việc cần triển khai trong thời gian tới. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp.
Đến nay, có 53/63 tỉnh/thành phố đã phối hợp với các nhà cung cấp cổng học bạ số, có các địa chỉ IP tĩnh, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan đến Học bạ số tại địa phương. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng trong việc triển khai quản lý học bạ số cho các địa phương.
Bên cạnh đó, về phía các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã xây dựng xong chuẩn đặc tả kỹ thuật về file học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ học bạ số; chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm học bạ số, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu học bạ từ các địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý các đơn vị phải vừa rút kinh nghiệm, vừa cập nhật tiến độ, thực trạng tại cơ sở để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo có những văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới các địa phương còn tình trạng chậm, muộn, các địa phương đang thực hiện bằng cách thức không đúng với quy định. Trong quá trình triển khai cần có đánh giá tác động tại từng địa phương để báo cáo trong hội nghị tổng kết thí điểm trong thời gian sắp tới.