Trong gần 2 tháng trở lại đây, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn như Eximbank, VPBank, Kienlongbank, ACB, Sacombank…
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất
Hiện, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đang có sự cách biệt đáng kể giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đang huy động cao nhất 3%/năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn như VPBank có lãi suất 4,1%/năm; MB 3,5%/năm; ACB 3,3%/năm, SeABank 3%/năm.
Cùng kỳ hạn này, một số ngân hàng có mức lãi suất cao hơn, BVBank nhận gửi tiết kiệm với lãi suất 4,2%/năm; VietBank lãi suất 4,4%/năm; VietABank 4,1%/năm; PVCombank và Oceanbank cùng huy động 4%/năm…
Lãi suất cao nhất khi khách hàng gửi 6 tháng theo thống kê của Wigroup là OCB 4,5%/năm, NCB 4,35%/năm hay CBBank 4,7%/năm…
Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất thuộc về các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Như gửi kỳ hạn 24 tháng, một số ngân hàng có lãi suất cao xấp xỉ 6%/năm gồm Vietbank và Saigonbank 5,7%/năm; OCB 5,8%/năm; MB 5,6%/năm; Oceanbank 5,9%/năm...
Bao nhiêu % dân số Việt Nam tham gia thị trường chứng khoán?
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 110.761 tài khoản trong tháng 4/2024, ít hơn gần 53.000 tài khoản so với tháng 3 trước đó. Đây là số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm thấp nhất kể từ đầu năm 2024.
Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 4 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 110.622 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 139 tài khoản. Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn nửa triệu tài khoản. Đến cuối tháng 4/2024, Việt Nam có hơn 7,7 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,7% dân số.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Samsung tính rót thêm 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam
Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều 9/5, ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung đánh giá môi trường kinh doanh liên tục cải thiện, nên Samsung sẽ nâng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng và tăng hợp tác đào tạo nhân lực.
Từ năm 2014 đến nay, doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này tăng 12 lần, từ con số 25 ban đầu lên 309 công ty hiện tại.
Ông Park cũng cho biết Samsung dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam thời gian tới.
Samsung hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với 4 nhà máy lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, với tổng vốn đầu tư khoảng 22,4 tỷ USD. Hiện, điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của Samsung trên toàn cầu. Dự kiến năm nay xuất khẩu mặt hàng này của họ sẽ tăng hơn 10%, so với gần 56 tỷ USD năm 2023.
Năm ngoái, 4 doanh nghiệp tại Việt Nam đóng góp một phần ba tổng lợi nhuận toàn cầu của Samsung. Tập đoàn này nhiều lần khẳng định muốn giữ vị thế nhà đầu tư FDI lớn nhất ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng: Khẩn trương thanh tra ngay thị trường vàng
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 213 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, để tăng cường hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan.
Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng để xem xét thực hiện kịp thời hơn, hiệu quả hơn các giải pháp, công cụ điều hành, bình ổn ngay thị trường vàng theo mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn.
NHNN phải khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5/2024, không để chậm trễ hơn nữa.