Theo ông Trần Du Lịch, Việt Nam đã đưa ra vấn đề phát triển xanh, giảm khí thải carbon ngay trong chiến lược 10 năm 2011 - 2020. Sau năm 2015, đặc biệt gần đây đã có hàng chục quyết định của Thủ tướng về vấn đề này.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia, điều thiếu lớn nhất của Việt Nam là chính sách cụ thể cho những mục tiêu, những nội dung công việc phải làm. “Đầu việc thì chúng ta có nhưng triển khai đầu việc đó bằng cách nào thì Việt Nam chưa làm được”, ông Lịch nói.
Từ kinh nghiệm nghiên cứu, ông Lịch cho rằng để thực hiện chuyển đổi này, cần thể hiện rõ vai trò của nhà nước ở đâu, vai trò của người dân, doanh nghiệp ở đâu.
Là Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 tại TPHCM, TS.Trần Du Lịch nhìn nhận TPHCM sẽ phải tận dụng nghị quyết này thực hiện một số việc và cần làm nhanh để chuyển đổi. Trên cơ sở xây dựng khung chiến lược về chuyển đổi, TPHCM có thể tận dụng ngay để xử lý vấn đề năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi để chuyển đổi năng lượng; tiếp tục kiến nghị việc tính toán lại toàn bộ giá điện…
Theo ông Lịch, TPHCM tận dụng Nghị quyết 98 để tính toán, đồng thời các doanh nghiệp trước mắt giảm tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm nhằm giảm đi khí thải carbon. Hiện TPHCM đang chuyển đổi chức năng, công năng của một số khu công nghiệp, khu chế xuất.
“Vậy gắn vấn đề này như thế nào đối với cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98. Lần này, thành phố tận dụng Nghị quyết 98 để khuyến khích doanh nghiệp có thể chuyển đổi, trong đó có các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh và cho rằng TPHCM còn phải tính toán giảm cho được khí thải, ô nhiễm từ hệ thống giao thông cá nhân (chủ yếu là xe gắn máy). Nếu chuyển đổi được việc xe máy sang đi xe đạp sẽ giúp giảm được khá lớn, đây là viêc cần phải làm như một chính sách. “Muốn chống thì phải xây”, phải tạo điều kiện cho việc đi được xe đạp và tạo sự an toàn đi xe đạp.
Góp ý để TPHCM tiến hành quá trình xanh hoá trong lĩnh vực giao thông công cộng, TS. Vũ Anh Tuấn (Đại học Việt - Đức) nhìn nhận việc thực hiện mục tiêu gia tăng hơn 200 km đường sắt trong giai đoạn tới sẽ góp phần giảm thiểu phát thải, đáp ứng nhu cầu đi lại và nâng cao sức khoẻ cho người dân đồng thời cũng giúp thành phố phát triển.
Để thúc đẩy phát triển xe điện trong thành phố, khuyến khích xanh hoá phát triển giao thông, ông Tuấn dẫn ra nhiều kinh nghiệm được các nước áp dụng. Theo đó, các quốc gia đã triển khai một số chính sách cụ thể như: Có cơ chế tài chính giúp người dân tham gia sử dụng xe điện nhiều hơn, tài trợ mua xe, giảm thuế cho người mua xe điện; thắt chặt quy định nền kinh tế dựa trên khí thải CO2, qua đó hướng người dân sử dụng xe điện nhiều hơn; tạo nơi có thể sạc điện, tạo cơ sở hạ tầng công cộng thuận lợi của nhà nước…