Hướng nghiên cứu đầy tiềm năng
PGS.TS Phạm Trung Kiên - giảng viên Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Bách khoa cho biết: Hiện nay, vật liệu polymer tự lành là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học trên thế giới. Các trường đại học đang trong giai đoạn bùng nổ nghiên cứu và phát triển ứng dụng mới của vật liệu này.
Hứa hẹn nhiều ứng dụng là vậy nhưng polymer tự lành lại là một vật liệu “khó chiều”. Trong quá trình tổng hợp vật liệu, những người làm nghiên cứu phải chuẩn bị vô cùng chính xác và tỉ mỉ, nhiều khi chỉ lệch một chút thôi, kết quả đã khác.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu phải làm nổi bật được tính mới, độc đáo của vật liệu mình đang chế tạo so với vật liệu của nhóm khác. Nếu không có điểm gì đặc biệt sẽ có rất ít cơ sở để thuyết phục được ban biên tập của các tạp chí khoa học lớn chấp nhận bình duyệt công trình. Vì vậy, có thể nói, công trình nghiên cứu của PGS Lệ Thu và các cộng sự đã góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới và khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu tự lành tại Việt Nam. Công trình của PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu triển khai theo một hướng rất hay là phát triển tính năng tự lành và nâng cấp cơ tính của PU composite theo cơ chế DA. Chia sẻ điều này, TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia Kushiro, Nhật Bản nhìn nhận: Vật liệu PU khá bền và rẻ, có thể tổng hợp từ nhiều nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng như dầu cọ, dầu ăn... nên tốt cho môi trường. Đây là đề tài tiên phong trong xu hướng vật liệu PU composites tự lành, một hướng nghiên cứu rất có tiềm năng ở Việt Nam.
Để có công trình xuất sắc này, nhà khoa học đã có quá trình tìm tòi, tích lũy kiến thức khoa học tương đối dài. Nếu nhìn vào quá trình nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu có thể thấy, nữ giảng viên đã nghiên cứu về vật liệu polymer tự lành sử dụng cơ chế DA từ trước năm 2015. Nó cũng giống như một quá trình phôi thai, định hình cho phát kiến độc đáo lần này.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu còn nỗ lực trang bị cho mình các kỹ thuật phân tích phức tạp và chuyên sâu về khoa học vật liệu như kỹ thuật cộng hưởng từ hạt nhân proton, nhiễu xạ tia X góc rộng, tán xạ tia X góc rộng. Bên cạnh đó là các thiết bị chế tạo, phân tích thiết yếu như máy phân tích nhiệt quét vi sai để xác định sự chuyển pha của vật liệu polymer theo nhiệt độ, kính hiển vi điện tử quét để quan sát các vết nứt cực nhỏ ở thang đo vài micrômét...