Nữ giáo viên dân tộc Mường giúp trò đạt điểm 10 môn Lịch sử

27/05/2023, 17:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Trương Thị Thương - giáo viên vùng cao ở Thanh Hóa đã có phương pháp ôn luyện quý báu cho học trò với mục tiêu đạt điểm 10 môn Lịch sử.

Nữ GV hợp đồng giàu tâm huyết

Cô giáo Trương Thị Thương (34 tuổi), người dân tộc Mường, quê ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), hiện đang là giáo viên dạy hợp đồng của Trường THPT Quan Hóa. Từ năm 2012, cô giáo Thương được Trường THPT Quan Hóa ký hợp đồng để dạy môn Lịch sử.

Mãi tới năm 2022, cô giáo Thương mới chính thức được biên chế vào ngành giáo dục, nhưng là giáo viên dạy cấp 2 – Trường PTDTBT - THCS Trung Thành (Quan Hóa). Vì vậy, cô Thương vẫn thuộc diện hợp đồng dạy theo tiết môn Lịch sử của Trường THPT Quan Hóa, vì nhà trường chưa có giáo viên biên chế dạy môn học này.

Trong quá trình công tác, cô giáo Thương toàn tâm, toàn ý với nghề, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm. Nghiêm chỉnh chấp hành các điều lệ, quy chế, quy định của ngành.

Thầy Lê Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa cho biết, mặc dù là GV dạy hợp đồng theo tiết, nhưng cô giáo Trương Thị Thương luôn tâm huyết với nghề, chân thành, cởi mở với học sinh. Đặc biệt, cô giáo Thương có chuyên môn vững vàng, có phương pháp truyền đạt kiến thức cho HS rất tốt.

Nữ giáo viên dân tộc Mường giúp trò đạt điểm 10 môn Lịch sử  ảnh 1

Cô Trương Thị Thương (người đeo kính) và đồng nghiệp. Ảnh: NVCC.

“Cô giáo Thương là người luôn chủ động tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh, giúp đỡ các em khắc phục khó khăn trong học tập và rèn luyện đạo đức. Chủ động hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh. Tiếp thu và áp dụng kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục. Đoàn kết, khiêm tốn học hỏi, biết lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp”, thầy Thanh chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, nữ GV Trương Thị Thương là người nắm vững các mạch kiến thức môn học xuyên suốt cấp học để đảm bảo tính chính xác, logic, hệ thống. Nắm được mối liên hệ giữa kiến thức môn học được phân công dạy với các môn học khác đảm bảo quan hệ liên môn trong dạy học. Đảm bảo dạy học theo đúng chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình môn học; thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo kế hoạch dạy học đã được thiết kế.

Nữ giáo viên dân tộc Mường giúp trò đạt điểm 10 môn Lịch sử  ảnh 2

Cô giáo Thương và học sinh của mình. Ảnh: NVCC.

“Cô ấy luôn giữ thái độ bình tĩnh trong mọi tình huống; tôn trọng ý kiến học sinh. Biết khuyến khích học sinh mạnh dạn, tự tin không chỉ trả lời những câu hỏi của giáo viên, mà còn nêu thắc mắc và trình bày ý kiến của mình. Khai thác được nội dung bài học, thực hiện liên hệ một cách hợp lí với thực tế đời sống gần gũi với học sinh để giáo dục tư tưởng, tình cảm, thái độ cho học sinh. Đảm bảo tính khách quan, công bằng và có tác dụng thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên. Có nhiều phương pháp và hình thức phối hợp với cha mẹ học sinh và với chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội... ”, thầy Thanh cho hay.

Bí quyết ôn luyện môn Lịch sử cho học trò

Đến thời điểm hiện tại, học sinh của nhà trường đã học xong chương trình chính khóa, bước vào giai đoạn ôn thi và luyện đề chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Trò chuyện với GD&TĐ, cô Trương Thị Thương chia sẻ, trong quá trình cho HS làm đề, cô tập trung củng cố kiến thức thêm một lần nữa cho các em theo từng giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, cô Thương áp dụng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy để giúp HS ghi nhớ kiến thức lâu hơn.

“Khi cho học sinh làm đề và chữa đề, khi đến những vấn đề khó, các câu hỏi vận dụng khó mà HS chưa rõ, thì tôi sẽ dừng lại để giảng dạy cho các em hiểu, nhằm bù đắp khoảng trống kiến thức cho các em. Bên cạnh đó, tôi còn phân loại HS theo các nhóm, theo năng lực của các em”, cô Thương chia sẻ.

Nữ giáo viên dân tộc Mường giúp trò đạt điểm 10 môn Lịch sử  ảnh 3

Cô giáo Thương đang ôn luyện cho học trò. Ảnh: NVCC.

Theo cô Thương, các nhóm HS sẽ được cô chia như sau: Nhóm 1, là những HS chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, cô giáo sẽ củng cố kiến thức trong phạm vi sách giáo khoa, để các em có thể làm được những câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Nhóm 2, là những HS có nguyện vọng xét tuyển đại học, cô giáo sẽ cho các em ngoài việc luyện đề như các em ở nhóm 1, tập trung hướng dẫn các em ở các câu hỏi ở mức độ vận dụng, để các em có thể đạt được mức điểm cao từ khá đến giỏi, vì mức độ luyện đề của nhóm 2 nhiều hơn.

Nhóm 3, là những HS có nguy cơ trượt tốt nghiệp, tức là học sinh yếu – kém (nhóm này không nhiều), thì cô giáo sẽ tăng cường phụ đạo để bù lấp lỗ hổng kiến thức cho các em, giúp HS có thể nắm được những kiến thức cơ bản nhất.

“Bên cạnh việc chia nhóm để giảng dạy theo năng lực HS ở trên lớp, tôi còn lập các nhóm Zalo ở các lớp, thường xuyên trao đổi kiến thức và giao bài tập phù hợp với khả năng của từng nhóm học sinh. Động viên, khích lệ các em cố gắng học tập để các em có thể đạt được những nguyện vọng như mong muốn”, cô Thương thông tin.

Với những phương pháp ôn luyện cho học trò nêu trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nữ giáo viên Trương Thị Thương đã có 1 nữ sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử. Đây cũng là nữ sinh duy nhất và lần đầu tiên của cả huyện vùng cao Quan Hóa giành được điểm 10 môn Lịch sử trong kỳ thi.

Nữ giáo viên dân tộc Mường giúp trò đạt điểm 10 môn Lịch sử  ảnh 4

Cô Trương Thị Thương và HS Lương Thị Hà Phương, lớp 12A2, Trường THPT Quan Hóa đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Lịch sử, năm học 2022-2023. Ảnh: NVCC.

Đó là em Hà Thị Tâm, lớp 12A2, Trường THPT Quan Hóa. Trong kỳ thi ấy, nữ sinh Hà Thị Tâm xuất sắc đạt 28,5 điểm ở ba môn khối C. Trong đó, Ngữ văn được 9 điểm; Lịch sử: 10 và Địa lý được 9,5 điểm. Nếu cộng cả điểm ưu tiên, nữ sinh huyện vùng cao Thanh Hóa đạt được mức điểm là 31,25 điểm (gồm cả điểm ưu tiên), Tâm đã đăng ký xét tuyển vào Khoa Sử chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Thầy Lê Văn Thanh, thông tin em Hà Thị Tâm là học sinh đầu tiên của nhà trường đạt trọn vẹn 10 điểm môn Sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT. So với nhiều bạn, Tâm có hoàn cảnh khá éo le. Nhiều lần vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ có ý định cho em nghỉ học để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, với sự động viên của các thầy, cô giáo và bằng ý chí, nghị lực, em Tâm đã cố gắng vượt qua thách thức để vươn lên trong học tập, với thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện.

“Trong công tác ôn thi tốt nghiệp năm 2022 đối với bộ môn Lịch sử, cô giáo Thương đã giúp nhà trường có 24 học sinh đạt điểm 8 trở lên, đặc biệt có 1 học sinh đạt điểm 10. Ngoài ra, cô giáo Thương còn ôn luyện cho một học trò giành được giải Khuyến khích môn Lịch sử, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022 – 2023. Cô Thương cũng được Sở GD&ĐT tặng giải Ba về đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm về “Sử dụng đồ dùng trực quan ứng dụng CNTT trong giờ học Lịch sử lớp 12, THPT”; được giám đốc sở GD&ĐT Thanh Hóa công nhận danh hiệu công dân kiểu mẫu năm 2022”, thầy Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa).

Bài liên quan
Hai thủ khoa trường luật chia sẻ bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT
Hai thủ khoa đầu vào Trường ĐH Luật Hà Nội chia sẻ bí quyết chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT, dành tấm vé vào trường đại học mơ ước...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ giáo viên dân tộc Mường giúp trò đạt điểm 10 môn Lịch sử