Nữ nhà giáo tham gia nghiên cứu khoa học: Thành công bằng lối đi riêng

Đức Trí | 08/03/2022, 06:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Họ là những nữ nhà giáo có nhiều cống hiến, thành công trong giảng dạy, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Cô Trịnh Bạch Yến (đứng giữa) cùng học sinh chuyên Sử - Địa, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai). Ảnh: NVCCCô Trịnh Bạch Yến (đứng giữa) cùng học sinh chuyên Sử - Địa, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai). Ảnh: NVCC

Để hoàn thành tốt cả việc trường lẫn việc nhà, được đồng nghiệp, học trò ghi nhận, các cô đã không ngừng vượt khó, hết mình vì học trò.

Ghi dấu trong lòng đồng nghiệp, học trò

Cô Trịnh Bạch Yến đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng bộ môn Sử - Địa tại Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai). Hành trình lãnh đội tuyển Sử - Địa và trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi 10 năm qua của cô đã đạt nhiều thành tích đáng “nể”: Năm nào học sinh cũng đạt giải cấp tỉnh, hơn 20 giải quốc gia. Cô còn là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi có giải Nhất đầu tiên môn Địa lý tỉnh Lào Cai.

Chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi đạt thành tích cao, cô Trịnh Bạch Yến cho rằng: Bản thân luôn bắt đầu công việc bằng say mê và tìm tòi đào sâu kiến thức môn học. Bởi chỉ như vậy, giáo viên mới có thể truyền “lửa” đam mê kiến thức tới học trò.

Bên cạnh đó, cô cũng tăng cường chấm, chữa bài cho học trò, hướng dẫn tỉ mỉ để các em có thể làm bài tốt nhất. Theo cô Yến, môn Địa lý mang tính xã hội nhưng có cả tự nhiên, do đó nếu không làm tốt việc chấm chữa bài, không sâu sát, giúp học trò hiểu kỹ kiến thức môn học, không rèn cho các em cách diễn đạt bài thi tốt thì khó có kết quả cao.

Học sinh tham gia đội tuyển hầu hết có đam mê và nền tảng kiến thức cơ bản tốt nhưng quá trình ôn luyện, chuẩn bị các cuộc thi không tránh khỏi áp lực, mệt mỏi. Do đó, cô Yến luôn động viên, quan tâm tới tâm tư tình cảm của học trò. Được chia sẻ, tháo gỡ khó khăn sẽ giúp các em thoải mái tinh thần để ôn và thi hiệu quả. Mặt khác, qua đó giáo viên cũng có định hướng, phương pháp bồi dưỡng phù hợp nhất…

Từ góc độ quản lý, thầy Ngô Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai cũng đánh giá cao về chuyên môn, uy tín, khả năng lãnh đội tuyển của cô giáo Trịnh Bạch Yến. Tổ Sử - Địa dưới sự điều hành và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi trực tiếp của cô Yến trong những năm qua đã đóng góp cho nhà trường, tỉnh Lào Cai nhiều thành tích cao cấp tỉnh và quốc gia. Cô Yến có khả năng truyền “lửa”, tạo động lực học tập cho học trò, tạo sự đoàn kết với đồng nghiệp trong tổ và nhà trường...

Cô Trần Thị Thu Thảo, Tổ trưởng Sinh – Hóa, Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) cũng là một trong số những nhà giáo nữ thành công trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, tham gia thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh và quốc gia.

Kinh nghiệm giúp học sinh thành công trong những lĩnh vực mình đảm trách được cô Thảo chia sẻ: Trước hết, luôn đề cao yếu tố phát hiện lựa chọn được những học sinh đam mê kiến thức. Cùng đó, giáo viên phải truyền đạt kiến thức cơ bản mà các em sẽ nghiên cứu.

Mặt khác, cô Thảo dành thời gian nghiên cứu sâu tài liệu các vấn đề sẽ hướng dẫn học sinh từ đó giúp các em biết cách tiếp cận thông tin, kiến thức phục vụ cho học tập, ứng dụng. Đặc biệt, khi nhận nhiệm vụ hướng dẫn học sinh cô dành thời gian đáng kể để hỗ trợ, theo sát. Bất kỳ khi nào học sinh bế tắc cô đều kịp thời định hướng, gợi mở để các em tự tháo gỡ.

Tuy vậy, với cô Thảo hỗ trợ phải tránh làm hộ, làm thay. Nghiên cứu khoa học, không phải lúc nào cũng thành công ngay từ đầu. Vì vậy, cô luôn động viên, khuyến khích và kiên nhẫn cùng học trò tìm hướng đi mới; Giao nhiệm vụ đi liền với đôn đốc kiểm tra...

Trực tiếp quản lý chuyên môn Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình), thầy Bùi Bằng Đoàn, Phó Hiệu trưởng trao đổi: Nữ nhà giáo Trần Thị Thu Thảo luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt các kế hoạch, chỉ tiêu chuyên môn nhà trường giao phó.

Ngoài năng lực chuyên môn tốt, cô Thảo có khả năng kết nối đồng nghiệp trong tổ nhóm chuyên môn, nhà trường vào công việc chung. Đến nay, dưới sự hướng dẫn, bồi dưỡng của cô Thảo, nhiều học sinh được truyền cảm hứng, đam mê với kiến thức. Và hơn thế các em đã hình thành được tư duy phản biện, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học…

Cô Trần Thị Thu Thảo gắn bó với học sinh trong nhiều cuộc thi. Ảnh: NVCC

Tấm gương để học trò noi theo

Để vượt qua những khó khăn của nhà giáo nữ khi “một vai hai gánh”, đảm đương cả việc trường lẫn việc nhà, cô Trịnh Bạch Yến cho biết luôn có gia đình hỗ trợ, đồng nghiệp đoàn kết, san sẻ cùng nhau.

Tuy nhiên, so với giáo viên không lãnh đội tuyển hoặc tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, chắc chắn cô Yến tốn nhiều thời gian hơn cho trường lớp, học trò. Cách tháo gỡ của cô là bố trí, sắp xếp thời gian cho gia đình và công việc khoa học nhất.

“Nhà giáo nữ có nhiều ưu thế và có thể phát huy để công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả cao. Đó là sự kiên trì, gần gũi, quan tâm học trò... Khi trở thành người mẹ thứ 2 của các em ở trường và trong công việc thì hành trình đến thành công không quá khó...”, cô Yến bày tỏ.

Mã Thị Quỳnh Nga, học sinh lớp 12 Sử - Địa đang tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia được cô Yến bồi dưỡng chia sẻ: “Bước vào lớp 10 em chưa biết nên chọn học chuyên Địa hay không. Nhưng được cô Yến ôn luyện vài buổi em lập tức thích môn học này. Em ngưỡng mộ “kho” kiến thức thức sâu rộng, phong phú và cách dạy đam mê, truyền cảm hứng tới học trò của cô.

Học cô em như được tiếp thêm tình yêu với môn học, khao khát tìm hiểu kiến thức và khẳng định mình qua những cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Em và các bạn học được ở cô cách làm việc nghiêm túc, khoa học để khắc sâu và nhớ lâu kiến thức…”.

Nói về những khó khăn khi nhà giáo nữ mang trên mình cả trách nhiệm gia đình lẫn công việc, cô Trần Thị Thu Thảo chia sẻ: “Lúc cao điểm, tôi thấy mình không có đủ thời gian cho bản thân bởi việc hướng dẫn học sinh dự thi khoa học kỹ thuật, thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy học trên lớp… đòi hỏi giáo viên phải bỏ nhiều công sức, tâm huyết với học trò. Nhưng may mắn, gia đình luôn thấu hiểu và hỗ trợ để tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bản tân tôi vẫn phải lên kế hoạch, hình thành cho mình cách làm việc, sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý nhất mới có thể đảm trách được vai trò của phụ nữ trong gia đình và người thầy trong xã hội. Thành tích cao của học trò là niềm vui, động lực để tôi tiếp tục cống hiến”.

“Bước sang năm thứ 2 đại học, song những kiến thức, kỹ năng cô Thảo trao truyền vẫn giúp em rất nhiều trong học tập, nghiên cứu khoa học và cuộc sống. Cô là tấm gương để em mãi học hỏi, noi theo…”, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ nhà giáo tham gia nghiên cứu khoa học: Thành công bằng lối đi riêng