Và những điều này cũng khiến tôi nhạy cảm nhận ra: cuộc đời chỉ vừa vén tấm mặt nạ của nó ra thôi.
Căn nhà nhỏ nơi Vương Tâm Nghi cùng mẹ, ông và các em sinh sống
Tôi và đứa em trai kém tôi 1 tuổi lần lượt theo đuổi con đường học hành, điều này làm gánh nặng tài chính của gia đình tôi thêm nặng nề.
Mẹ tôi không thể đi làm vì lý do sức khỏe, hơn nữa công việc đồng áng không thể vứt đó là xong, ông tôi lại không thể tự chăm sóc bản thân. Bởi vậy, cả nhà tôi chỉ có thể dựa vào một mình cha tôi.
Công việc của cha tôi không ổn định, thu nhập ít ỏi đến đáng thương, mọi chi tiêu trong nhà đều phải dựa vào sự chắt bóp chi li từng chút một của mẹ tôi, mọi thứ chỉ đủ để trang trải cuộc sống.
Chi phí chữa bệnh cho ông tôi và mẹ tôi trong một năm cũng là một khoản lớn, hơn nữa gia đình lại nợ nần chồng chất khi bà tôi bệnh nên nhịn ăn nhịn mặc là điều tất yếu.
Một vài người họ hàng có con lớn vẫn hay mang cho nhà tôi ít quần áo cũ. Những cái nào còn mặc được, mẹ sẽ giặt sạch rồi phân cho tôi và các em. Mẹ thường nói, quần áo đẹp đến đâu không quan trọng, miễn là chúng sạch sẽ và có thể giữ ấm. Bảo sao mà đến giờ mẹ tôi vẫn mặc bộ đồng phục từ 20 năm trước của mình.
Tôi và các em đều rất nghe lời, không bao giờ đòi quần áo hay giày dép mới. Tuy nhiên, không tránh khỏi có một vài học sinh trong lớp cười nhạo đôi giày cũ mòn, bộ quần áo lỗi mốt hay cách phối đồ kỳ lạ của chúng tôi.
Tôi nhớ ngày đầu tiên vào cấp 2, một cậu bạn đã chế giễu tôi vì chiếc áo khoác độn với phần bông nhồi nhìn như “cặn đất”. Tôi đã khóc và về nhà nói với mẹ, mẹ tôi chỉ nói một câu: “Không cần để ý đến bạn ấy, mình cứ sống tốt là được”.
Đúng vậy, cần gì phải bận tâm đến lời bình luận của người khác, đó chỉ là phán xét phiến diện dựa vào ngoại hình và quần áo của tôi mà thôi, nếu người đó không nhìn thấy nội tâm của tôi, vậy tôi việc gì phải để ý đến người đó.
Suy cho cùng, tôi sống cuộc đời của tôi, không phải sống để người khác thấy. Tôi đã tiếp tục mặc chiếc áo đó hết những năm cấp 2 và tôi cũng nhớ như in câu nói của mẹ cho đến tận hiện tại.
Ngoài quần áo, chuyện đi học của tôi còn gặp một vấn đề khác: phương tiện đi lại.
Cấp 1 có thể học ở làng, nhưng đến cấp 2, bọn tôi chỉ có thể xuống huyện học. Nhà tôi chỉ có một cái xe đạp, tôi ngồi yên sau, em tôi chỉ có thể ngồi trên thanh ngang phía trước.
Trong mắt người khác, nhìn cảnh đó giống như diễn xiếc vậy, nhưng em tôi đã kiên trì trong 3 năm. Ngày ấy, đường xuống huyện còn chưa làm, dọc đường ổ voi ổ gà liên tiếp, mưa thì bùn đất ngập ngụa. Nhưng mẹ tôi vẫn đưa đón bọn tôi đi mỗi ngày, không bao giờ tới trễ.
Thực ra, lẽ ra chúng tôi có thể ở nội trú và mẹ chỉ cần đón bọn tôi vào cuối tuần, nhưng tiền nội trú thực sự rất đắt. Mẹ thương bọn tôi còn đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng sức khỏe của mẹ thực sự không tốt nên đôi khi không tránh khỏi việc mẹ phải cho chúng tôi xuống xe chạy bộ một đoạn.
Vậy là, mỗi ngày đến trường lại chạy 1-2km đã trở thành cách rèn luyện sức khỏe đặc biệt của chị em tôi. Tôi nhớ có một lần tuyết rơi dày đặc, tuyết dày đến cả mét, ô tô không thể ra ngoài, mẹ tôi quấn chiếc áo bông, bất chấp gió rét, đến đón chúng tôi tan học, biết bao nhiêu tuyết tan trên mặt mẹ dọc đường.
Nhưng tôi và em tôi rất hào hứng, vừa nghịch tuyết vừa nói chuyện với mẹ về những kiến thức mới hôm nay tôi học được. Ba chúng tôi cứ đi như vậy cho đến khi trời tối mịt mới về đến nhà.
Khi đó, tôi hiểu rằng hạnh phúc không phải vì cuộc sống quá hoàn hảo, mà vì bạn có thể bỏ qua những điều không hoàn hảo đó và cố gắng hết sức để đón nhận vẻ đẹp và ánh nắng mà bạn nhìn thấy.
Nghèo đói mang lại nhiều điều hơn là đau đớn, đấu tranh và bối rối. Dù nó thu hẹp tầm nhìn, đâm vào lòng tự trọng của tôi, thậm chí gián tiếp cướp đi mạng sống của người tôi thương yêu, tôi vẫn muốn nói rằng, cảm ơn bạn, sự nghèo khó.
Cảm ơn sự nghèo khó, nhờ bạn mà tôi nhận ra hạnh phúc và sự hài lòng chân chính.
Bạn khiến tôi và đồ chơi, đồ ăn vặt, game như hai đường thẳng song song, bạn đã mở ra cho tôi một thế giới tốt đẹp hơn.
Tuổi thơ tôi có thể ít phim hoạt hình hơn, nhưng tôi có thể cùng mẹ bắt sâu, cho gà ăn rồi chờ đợi những quả trứng gà ngon lành vào hôm sau. Thế giới của tôi có thể không có búp bê Barbie, nhưng tôi có thể đến những cánh đồng lúa mì thơm ngát, nơi đám trẻ chúng tôi lén nghịch nước trong lúc người lớn bận rộn làm việc. Lúc rảnh rỗi, tôi không có đồ ăn vặt để ăn nhưng tôi có thể cùng em trai trèo lên cây dâu cao sau nhà, hái những trái dâu tím đỏ chua chua ngọt ngọt, vừa dựa vào cành cây vừa thưởng thức chúng một cách mãn nguyện.
Cảm ơn sự nghèo khó, bạn đã cho tôi tiếp xúc gần gũi hơn với vẻ đẹp và sự kỳ diệu của thiên nhiên, giúp tôi tận hưởng sự ân sủng và phúc lành của trời cao.
Tôi là người con của đất, tôi vô cùng yêu mảnh đất vàng đơn sơ rắn rỏi dưới chân tôi, tôi xuất thân từ nơi khiêm nhường, và tôi cũng đã thấm nhuần dưỡng chất của cuộc sống từ nơi khiêm nhường này.
Cảm ơn sự nghèo khó, bạn đã khiến tôi tin vào sức mạnh của giáo dục và tri thức. Sự thiếu thốn vật chất chẳng mang lại gì ngoài hai kết quả: một là tinh thần cực kỳ cằn cỗi, hai là tinh thần cực kỳ phong phú. Và tôi chọn cái sau.
Tôi xuất thân từ một gia đình bình thường nhưng luôn hướng tới giáo dục và tri thức. Mẹ nói rằng đây là con đường dẫn đến một thế giới rộng lớn hơn. Kể từ đó, niềm tin rằng tri thức có thể thay đổi vận mệnh đã ăn sâu vào trái tim tôi.
Mẹ dạy tôi học thuộc thơ từ rất sớm nên mới một tuổi tôi đã thuộc lòng rất nhiều bài thơ Đường. Mẹ cho tôi đi học sớm một năm không phải vì tâm lý ganh đua với người khác mà vì mẹ mong tôi thoát khỏi sự ngu muội, vô tri sớm hơn.
Ánh sáng từ chân lý và trí tuệ cuối cùng đã soi sáng trái tim trẻ con và ngu muội của tôi, chúng xuyên qua lớp sương mù sâu thẳm trong trái tim tôi. Nghèo đói có thể làm lung lay nhiều niềm tin, nhưng nó khiến tôi tin vào sức mạnh của tri thức một cách bền bỉ hơn.
Vương Tâm Nghi cảm ơn sự nghèo khó vì nó đã giúp cô nhận ra nhiều thứ
Cảm ơn sự nghèo khó, bạn đã ban cho tôi niềm hy vọng vô tận và lòng dũng cảm để không bao giờ cúi đầu.
Người nông dân biết rằng khi gieo hạt giống, họ phải giẫm lên chúng rất nhiều lần thì chúng mới vùi sâu được vào đất. Lần đầu tiên đi gieo hạt, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, tôi tự hỏi đạp mạnh như vậy thì làm sao cây con có thể bật khỏi mặt đất được.
Nhưng mẹ tôi bảo, đất tơi xốp thì cây con không mọc ra được, trước khi phá đất mà ra gặp được đất cứng, cây con mới mọc lên tươi tốt được.
Khi tôi lớn lên, nhớ lại những lời này, tôi nhận ra rằng tôi giống hệt như vậy. Nếu vừa bắt đầu, chúng ta đã gặp phải những trở ngại và thăng trầm, nếu số phận dường như đang làm khó chúng ta, đừng nghi ngờ, nó chỉ đang muốn chúng ta trưởng thành một cách đầy mạnh mẽ mà thôi.
Mỗi cuộc đời đều có một hành trình khác nhau, có người đi thẳng đến bờ bên kia, có người quanh co và vất vả lắm mới tiến được về phía trước.
“Giàu” không có nghĩa là tâm hồn cao thượng, và “nghèo” không có nghĩa là tinh thần nghèo nàn. Không phải sự giàu có nào cũng may mắn, không phải sự nghèo khó nào cũng đáng ghét.
Không cần biết gia cảnh ra sao, chỉ cần trong tim có ước mơ, có nỗ lực, chúng ta đều có thể trở thành những đứa con ngoan ngoãn, giàu lòng biết ơn, tự lập tự cường và sở hữu thành tích ưu tú.
Nguồn: Toutiao