“Nữ tướng” trong giáo dục đại học và khát vọng đổi mới

Công Chương | 08/03/2022, 14:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ở Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều nữ lãnh đạo ở các trường đại học công lập lẫn tư thục. Điểm chung ở họ là khát vọng mang đến giá trị chất lượng vượt bậc ở lĩnh vực mình đảm trách.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (phải) trao quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho TS Nguyễn Thị Minh Hồng (tháng 3/2021). Ảnh: C.Chương

“Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được thầy trưởng khoa là Nhà giáo Ưu tú Phan Kỳ Nam hướng dẫn, giới thiệu đi học ở nước ngoài. Trong những năm học tập ở nước ngoài, tôi luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Chính vì vậy, khi học xong tiến sĩ, tôi đã quay về trường với vị trí giảng viên tập sự, rồi trở thành giảng viên chính thức và gắn bó với trường cho đến hôm nay”, TS Nguyễn Thị Minh Hồng kể.

Chị cho rằng mình không có “kế hoạch” trở thành Hiệu trưởng, Chủ tịch… hay vị trí nào cả. Các vị trí công việc đối với chị là sự phân công trong một tập thể lớn để tập thể ấy hoạt động nhịp nhàng và thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được Nhà nước giao, xã hội công nhận…

“Khó khăn trong công việc ở vị trí Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường của tôi trong thời gian qua là vấn đề thời gian và sự lựa chọn. Với cường độ công việc và các cơ hội, thách thức trong bối cảnh quốc tế hóa, tôi cũng như tập thể lãnh đạo của nhà trường luôn phải đứng trước những lựa chọn để tối ưu hóa các nguồn lực, tối ưu hóa quỹ thời gian chung, tập trung vào các nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ cấp bách của ngành Giáo dục…”, TS Nguyễn Thị Minh Hồng chia sẻ.

Nữ hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam

Được bổ nhiệm vào vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (HSU) từ ngày 1/3/2021 khi mới 37 tuổi, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy được xem là hiệu trưởng đại học trẻ tuổi nhất hiện nay.

Được công nhận Phó Giáo sư năm 34 tuổi và làm Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM năm 35 tuổi, nói về sự lựa chọn về HSU, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cho hay: “Tôi quan niệm làm ở đâu cũng là cống hiến cả. Trước đây tôi là giảng viên, còn quản lý ở đại học là sự đóng góp gián tiếp. Khi tham gia HĐND TPHCM, tôi cảm giác những ý kiến của mình được ghi nhận và là động lực để có trải nghiệm mới. Tôi học về du lịch, marketing, khoa học quản lý nên khi làm ở Sở Du lịch TPHCM cảm giác được làm chuyên môn, cống hiến trực tiếp. Đó là trải nghiệm tuyệt vời…”.

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu tại lễ nhậm chức quyền Hiệu trưởng HSU (tháng 3/2021). Ảnh: NVCC

Tuy làm Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, PGS Thúy cho rằng chất giáo dục vẫn nằm đâu đó trong con người mình. Hơn nữa, yếu tố gia đình cũng có tác động rất lớn trong quyết định này. Máu giáo dục nằm trong con người, khi có động cơ sẽ biến thành hành động…

“Hy vọng với sự cởi mở của tự chủ đại học cùng tinh thần khai phóng và văn hóa tôn trọng sự khác biệt ở ĐH Hoa Sen, tôi sẽ có những đóng góp mới cho sự phát triển của giáo dục tư thục của nước nhà.

Thực tế, thời gian đầu làm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, tôi cũng có một số khó khăn nhất định, tuy nhiên, sau một năm bắt đầu thấy có sự phù hợp. Bởi tôi thấy năng lượng mỗi ngày rất tích cực khi đến với ngôi trường này. Và tôi thấy có sự đồng tâm, đồng chí hướng rất rõ từ đội ngũ của nhà trường.

Bên cạnh đó, sau một số thay đổi tại ĐH Hoa Sen khi tôi về làm Hiệu trưởng thì cơ cấu vị trí công việc chưa hoàn thiện. Tôi cùng với Ban giám hiệu nhà trường đã phát triển, hoàn thiện các vị trí công việc từ chính nguồn lực tại chỗ của trường. Cụ thể là phát hiện ra nhiều nhân sự trong nội bộ trường mà trước đây họ chưa được nhìn nhận…” - PGS Thúy chia sẻ thêm.

Theo PGS Thúy, chính nhờ sự tận tụy và sâu sát mà bước đầu chị đã tạo ra được một sinh khí mới cho ngôi trường này. “Nhiều người vẫn nói đùa tôi là một trong những hiệu trưởng đi làm sớm nhất nhì nước và về thì muộn nhất. Nhiều khi về nhà cũng chưa hẳn là ngưng công việc mà vẫn trao đổi với anh em… Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải làm việc bao nhiêu thời gian mà cốt là mình thấy niềm vui và sự yêu thích trong công việc” - PGS Thúy chia sẻ.

Nữ Hiệu trưởng HSU cũng cho rằng, máu làm thủ lĩnh đã có trong người từ lâu. Đặc biệt, trong quá khứ chị cũng đã từng phải đưa ra nhiều quyết định lớn và đó đều là những quyết định táo bạo. Chị cho hay: “Lúc học lớp 3, tôi là liên đội trưởng, cấp III tham gia công tác ở tỉnh đoàn, nhà văn hoá thanh niên, chủ Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Tôi đi Pháp học thạc sĩ thực hành, sau đó là thạc sĩ nghiên cứu từ học bổng Chính phủ Pháp. Hoàn thành thạc sĩ, tôi tiếp tục nhận được hai học bổng tiến sĩ nhưng quyết định bỏ không làm vì gia đình, để khởi nghiệp và tiếp tục dạy ở ĐH Huế.

Tuy nhiên, sau đó trường gửi danh sách tốp 5 sinh viên tốt nhất được chọn thi tuyển vừa hợp đồng giảng dạy thỉnh giảng vừa làm tiến sĩ. Tôi đã bỏ hai học bổng tiến sĩ nhưng lần này có lẽ duyên đến nên tôi thi và trúng tuyển. Làm tiến sĩ xong, tôi và chồng về Huế tiếp tục dạy nhưng anh không còn thích nghi được ở đây nên nói tôi vào TPHCM. Vậy là tôi bỏ hết ở Huế để vào TPHCM làm lại từ đầu”, PGS Thúy nhớ lại.

Vào TPHCM chị cũng có những bước tiến nhanh, trưởng bộ môn, chủ nhiệm chương trình ở Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), Phó Viện trưởng viện đào tạo quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Sau đó, chị được ĐH Quốc gia TPHCM đề cử tham gia ứng cử đại biểu HĐND TPHCM và trúng cử trở thành Đại biểu khoá IX, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách và được điều về Sở Du lịch TPHCM. Sau khi hoàn thành một số tâm huyết trong công việc ở sở, chị lại về Trường ĐH Hoa Sen.

“Tập thể nhà trường đồng lòng trong 3 năm tới (2024) Trường ĐH Hoa Sen sẽ là trường đại học tư thục quốc tế, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Kể từ năm 2022, HSU triển khai học 50% chương trình bằng tiếng Anh. Việc để một tập thể cùng đồng lòng, đồng hướng về một cái mới thì không phải là điều dễ dàng và hiện mọi thứ đã bắt đầu đi vào quỹ đạo cho lộ trình này. Hy vọng khi HSU lên tầm trường đại học tư thục quốc tế thì mức thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên…” - PGS Thúy nhìn nhận.

“Khi về làm Hiệu trưởng HSU, tôi đã tái cơ cấu rất nhiều vị trí nhưng nguồn lực cho việc tái cơ cấu này chủ yếu từ nội bộ của trường. Quan điểm của tôi là phải trọng dụng người tại chỗ để bồi dưỡng, phát triển hoàn thiện cơ cấu vận hành bộ máy của trường” - PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nu-tuong-trong-giao-duc-dai-hoc-va-khat-vong-doi-moi-6HNFGYY7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nu-tuong-trong-giao-duc-dai-hoc-va-khat-vong-doi-moi-6HNFGYY7g.html
Bài liên quan
Triển khai mô hình “Giáo dục đại học số” cần những điều kiện gì?
Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nữ tướng” trong giáo dục đại học và khát vọng đổi mới