Để đạt được mục tiêu trên, Đề án triển khai thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ gồm: Nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Trong đó, Đề án sẽ xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình "Giáo dục đại học số" tại một số trường đại học phù hợp; xây dựng, ban hành bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học.
Tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chuyên ngành công nghệ số như công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tài chính số, kinh doanh số, truyền thông số,...
Tổ chức đào tạo bổ sung, cập nhật các kiến thức, kỹ năng số cho giảng viên đại học, nhất là giảng viên các chuyên ngành kinh tế và xã hội.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, sau đại học ở các lĩnh vực, ngành, nghề mở thêm chuyên ngành đào tạo hoặc cập nhật, bổ sung nội dung đào tạo về chuyển đổi số trong lĩnh vực, ngành nghề của mình. Đổi mới chương trình đào tạo và tăng chỉ tiêu đào tạo với các ngành công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ.
Sẽ xây dựng và triển khai chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông
Đề án cũng nhắc đến các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số thông qua chương trình STEM/STEAM. Cụ thể, tổ chức đào tạo giáo viên dạy các hoạt động giáo dục liên quan đến tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT về phương pháp STEM/STEAM.
Cùng đó, xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông với lộ trình triển khai cụ thể. Trong đó, ưu tiên triển khai thí điểm ở các thành phố trực thuộc trung ương và một số địa phương trước khi nhân rộng quy mô toàn quốc…
Quyết định về Đề án này có hiệu lực từ ngày 28/1/2022.