Nước Anh cần bác tâm lý coi nhẹ Toán học

Tú Anh | 21/04/2023, 08:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, tâm lý cố hữu coi nhẹ Toán học đang cản trở những nỗ lực cải thiện khả năng làm toán của người dân Anh.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, tâm lý cố hữu coi nhẹ Toán học đang cản trở những nỗ lực cải thiện khả năng làm toán của người dân Anh và gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.

Trong bài phát biểu trước học sinh, giáo viên ở phía Bắc London, Anh hôm 17/4, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh, nước Anh cần thay đổi suy nghĩ không coi tính toán là một kỹ năng cơ bản, cần thiết như kỹ năng đọc.

“Nếu tính đến sự phát triển kinh tế không chỉ trong 2 mà là 20 năm tới, chúng ta không thể cho phép trình độ toán học kém gây thiệt hại hàng chục tỷ mỗi năm lên nền kinh tế đất nước hoặc khiến nguy cơ thất nghiệp cao gấp đôi chỉ vì ứng viên không thành thạo khả năng tính toán”, ông Rishi Sunak nhấn mạnh.

Thủ tướng Anh kêu gọi đất nước phải thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục để bồi đắp kiến thức, kỹ năng toán học cho những người trẻ tuổi; đáp ứng nhu cầu tuyển dụng hiện nay. Từ đó, doanh nghiệp Anh có thể cạnh tranh với những công ty tốt nhất trên thế giới.

Số liệu thống kê của Chính phủ Anh cho thấy, hơn 8 triệu người trưởng thành có kỹ năng toán học dưới mức mong đợi, chỉ tương đương khả năng toán học của trẻ em 9 tuổi. Tư duy coi nhẹ toán học đã khiến Vương quốc Anh trở thành một trong những quốc gia có trình độ toán học dưới mức trung bình trong số các nước công nghiệp hóa.

Ông Rishi Sunak đồng thời tiết lộ sẽ tổ chức chiến dịch nhằm thay đổi cách tiếp cận của quốc gia đối với toán học. Trước đây, ông Rishi Sunak đã nhiều lần cảnh báo không nên coi nhẹ toán học. Ông lập luận nếu học sinh Anh không có nền tảng toán học vững chắc, các em sẽ tụt lại phía sau trong thế giới việc làm đầy biến động.

Hồi tháng 1, ông Rishi Sunak đề xuất yêu cầu học sinh phổ thông học toán bắt buộc đến năm 18 tuổi, thay vì mức tối thiểu hiện tại là 16. Tuy nhiên, nhiều người, trong đó bao gồm các đảng đối lập, đã chỉ trích ý tưởng trên, gọi nó là “vô nghĩa” nếu không đi cùng một kế hoạch chi tiết về tài chính, chính sách tuyển dụng, đào tạo giáo viên toán...

Bà Gillian Keegan, Thư ký Giáo dục Vương quốc Anh, lập luận, nếu Toán học trở thành môn bắt buộc cho học sinh đến năm 18 tuổi, Chính phủ cần tăng cường bổ sung giáo viên cho môn học này; đồng thời, bồi dưỡng, đào tạo lại kiến thức cho đội ngũ giáo viên hiện nay.

Tuy nhiên, hiện Anh đang không có đủ giáo viên để đáp ứng các yêu cầu hiện có. Chính phủ nước này đã cắt giảm gần 40% yêu cầu tuyển dụng đối với giáo viên toán kể từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa đủ số lượng yêu cầu. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng thêm giáo viên Toán học trong bối cảnh này là thách thức không hề nhỏ.

Tương tự, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường trung học và đại học Anh (ASCL), cho biết, nước Anh không đủ giáo viên Toán để đáp ứng nhu cầu hiện nay, chưa nói đến việc mở rộng chương trình giảng dạy môn Toán theo yêu cầu của Thủ tướng.

Thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên Anh hiện nay, ông Rishi Sunak cho rằng kế hoạch của mình “sẽ không đạt được chỉ sau một đêm”.

Chính phủ dự kiến sẽ thành lập một nhóm cố vấn gồm các chuyên gia đầu ngành Toán học, chuyên gia giáo dục... nhằm thảo luận cách thực hiện sáng kiến toán học mở rộng. Nội dung cụ thể sẽ được công bố vào mùa Hè năm nay.

Theo TG

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước Anh cần bác tâm lý coi nhẹ Toán học