Thắng yêu cầu tôi đừng chụp ảnh cậu trong tình thế này, vì ở quê chúng bạn thấy được sẽ thương hại. Rồi 2 đứa con nhỏ của Thắng nữa, sợ chúng tổn thương. Nhắc đến tai nạn, chợt đôi tay của Thắng run lên, gai ốc rần rần. Dù sự việc đã được tròn một năm, nhưng nó thực sự ám ảnh người đàn ông này. Thắng kể, cũng vào thời điểm này của năm trước, anh và em vợ vào khu vực Suối Phèn (thôn 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) tìm măng rừng và đánh cá suối. Hai anh em đào được một bao măng rừng để trên bờ rồi lần theo con suối tìm nơi trú ngụ của cá. Nghe nói suối có nhiều loài cá niên (có nơi gọi cá mác hoặc cá sỉnh cao) đang trở thành đặc sản cho khách du lịch, được bán với giá vài trăm ngàn/kg.
Trước sự mê hoặc của lợi nhuận, những sơn nhân như anh em Thắng không quản gian khổ, khó khăn và hiểm nguy chốn rừng thiêng nước độc để có được những lộc rừng đắt đỏ. Dù trời mưa rất to, mưa từ vài hôm trước nữa, con suối Phèn đỏ au màu nước, cuồn cuộn dòng chảy nhưng Thắng không sợ. Tìm được đoạn nghi có cá, anh em Thắng sắm đồ nghề và nhảy xuống suối. Họ giăng lưới giữa dòng nước rồi chạy lên phía trên khua khoắng cho động để cá từ các hang đá chạy ra, lọt vào tấm lưới chờ sẵn. Thắng đang ngụp lặn trong dòng nước thì bất thình lình một phiến đá lở ra ập vào người anh. Thắng chỉ kịp ú ớ vài tiếng, rồi cơn đau làm cho bất tỉnh. Cậu em vợ chạy lại đấu vật một lúc mới lôi được Thắng lên bờ, gọi người ứng cứu đưa Thắng đi bệnh viện. Thắng bị gãy nhiều mảnh đốt sống, tổn thương tủy, liệt gần hoàn toàn 2 chân và bí tiểu. Các bác sĩ mổ kết hợp xương cố định từ phía sau, bảo tồn và tạo hình lại thân đốt gãy, giải ép triệt để chèn ép từ mảnh xương gãy vào tủy sống.
Trải qua nhiều ca mổ, Thắng chuyển sang tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tại đây, Thắng phải chiến đấu với các cơn đau mức độ nặng hơn, cơn đau dữ dội hơn khiến toàn thân anh luôn tê cứng, nhói buốt và cảm giác như kim châm. Phải gánh chịu những cơn đau đớn, khó chịu dai dẳng và thường không có điểm dừng, đã nhiều lần Thắng tuyệt vọng, bất lực, cáu gắt với người mẹ già 70 tuổi đang chăm mình. “Suốt 3 tháng đầu tiên tập phục hồi chức năng, em không thể nào ngủ được vì quá đau đớn. Mẹ phải động viên nhiều lắm, bảo em còn may mắn vì vẫn giữ được mạng sống, ngoài kia nhiều người đi rừng phải bỏ mạng thì sao”, Thắng bộc bạch.
Nhóm sơn nhân dựng lều trại nghỉ ngơi trong cánh rừng mùa mưa.
Thắng đang cố gắng từng ngày tập những bước đi ngay ngắn, tập duỗi thẳng chân, co tay... và điều quan trọng nhất, anh phải tập chấp nhận thực tế, quên đi quá khứ để bắt đầu cuộc đời mới ở phía trước.
Mưu sinh trong các cánh rừng, nhặt những đồng tiền từ màu xanh của rừng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có mấy ai làm nghề thợ rừng chân chính mà giàu có được, may mắn chỉ đủ ăn, đủ tiêu trong những tháng ngày giáp hạt. Nhưng, ở các bản làng nơi bìa rừng, ven suối, kiếm ăn từ rừng là một sự lựa chọn quen thuộc. Nếu không, chỉ có thể thoát ly xuống đồng bằng, thành phố làm thuê làm mướn hoặc làm công nhân, cửu vạn, thợ hồ...
Không tai nạn nào giống nhau, cũng không cái chết nào giống nhau cả. Kẻ uống rượu say ngã suối chết, người trúng gió chết, gỗ đè chết, có người về cách nhà một quãng thì bị con suối lũ nhấn chìm, vài ngày sau mới tìm ra xác... Những “thợ rừng” chúng tôi gặp dù đã trải qua nhiều thương đau nhưng khi nhắc đến nghề, họ vẫn dành một tình yêu nồng cháy. Họ lý giải rằng, ở đâu, nghề nào cũng có tai nạn nghề nghiệp và chúng ta phải chấp nhận sự thật đó.
Là một người dành trọn phần đời còn lại cho các cánh rừng và những loài muông thú, “hiệp sĩ rừng xanh” Tăng A Pẩu (70 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, con người bảo vệ rừng, yêu các loài động vật thì rừng sẽ che chở và không để họ đói, rừng sẽ cho họ thứ cần tìm như hạt dổi, hạt mắc khén, nấm, măng, cua cá, cho cơm ăn, áo mặc...
Gia đình nạn nhân V.T.M trước căn nhà đơn sơ, trống vắng.
“Đã là thợ rừng thì ai cũng sở hữu những kỹ năng sinh tồn nhất định, nhưng theo tôi không nên đi rừng một mình mà cần có ít nhất hai người trở lên, được trang bị những dụng cụ sơ, cấp cứu cần thiết trong trường hợp gặp người đuối nước, sơ cứu vết thương hở, xử lý vết bỏng và cách băng bó gãy xương ở những vị trí khác nhau trên cơ thể. Điều quan trọng nhất để tránh được tai nạn là phải xem thời tiết, đừng đi rừng khi trời mưa to, gió lớn, khi có bão đổ về...”, ông Tăng A Pẩu chia sẻ.