Ruồi lính đen là loài vật có khá nhiều công dụng và ứng dụng trong thực tế. Tại Việt Nam, bột ruồi lính đen được sử dụng để thay thế bột cá trong thức ăn công nghiệp nuôi trồng thủy sản; ấu trùng tươi ruồi lính đen được sử dụng trực tiếp để nuôi cá, gà, vịt, lươn. Trong khi đó, phân ruồi lính đen thì được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong nông nghiệp.
Theo nhóm nghiên cứu, có 5 yếu tố cần quan tâm để tối ưu hóa được quy trình thủy phân nhộng ruồi lính đen, đó là tỷ lệ cơ chất, nồng độ enzyme, nhiệt độ, pH và thời gian.
Để biết được quy trình đó có tối ưu hay không, các chỉ tiêu cần phải xác định gồm hàm lượng protein, nitơ formol, nitơ ammoniac, nitơ acid amin và lipid. Từ đó sẽ tính được hiệu suất thủy phân và hiệu suất thu hồi protein.
Hiện nay, giá bột cá và đậu tương - nguồn nguyên liệu thức ăn chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản - liên tục tăng. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ấu trùng ruồi lính đen thành nguồn nguyên liệu thay thế bột cá được xem là một giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp thức ăn thủy sản.
Không những vậy, phần bã thu được sau khi thủy phân ấu trùng ruồi lính đen còn có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường.
Nuôi ruồi lính đen để tạo nguồn protein sản xuất thức ăn chăn nuôi thay cho nguyên liệu nhập khẩu, thay cho đạm cá vì đây là nguyên liệu có giá thành cao hơn. Châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen vì năng suất sinh học cao tới 10.000 tấn protein/ha. Việt Nam có điều kiện phù hợp với nuôi loài côn trùng này.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết, mô hình nuôi ruồi lính đen nói trên là một trong những sự chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ của trường nhận được sự quan tâm rất lớn của các địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng nhận được đơn đặt hàng của nhiều địa phương, đối tác, doanh nghiệp.