Giáo dục

NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ về chiết khấu sách giáo khoa

08/08/2024 21:53

Việc giảm giá thành SGK là chỉ đạo của các cấp lãnh đạo đối với NXB Giáo dục Việt Nam vì mục đích đảm bảo an sinh xã hội.

Đó là thông tin TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên về chiết khấu SGK.

PV:Thưa ông, đứng dưới góc độ kinh tế, sách giáo khoa được coi là mặt hàng thiết yếu đối với người dân. Xin ông cho biết, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng – với sách giáo khoa sẽ phải chịu những chi phí nào?

TS Nguyễn Văn Tùng: Giá SGK được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó tập trung vào 5 yếu tố sau:

Chi phí tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút, chi phí sản xuất: gồm giấy và công in, chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành; chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay).

Tôi xin nói rõ để bạn hình dung: phí tổ chức bản thảo của một bộ sách giáo khoa lên tới hàng trăm tỷ đồng; chi phí nhuận bút hiện nay được tính theo tiết học (dù số lượng sách được in nhiều hay ít).

Tổng nhuận bút của 2 bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục hàng năm cũng lên tới gần 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng (bao gồm giấy và công in), trong khi chi phí sản xuất hiện nay của NXB Giáo dục Việt Nam hoàn toàn dựa vào vốn vay ngân hàng. Chi phí cho khâu lưu thông, phát hành phí cũng là những khoản chi phí rất lớn.

Trên thực tế hiện nay, việc tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành SGK không phải độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam. Tổng cộng hiện nay có 7 NXB được Bộ TT-TT cấp phép xuất bản SGK, nhưng chỉ có 6 NXB tham gia xuất bản vì để thực hiện được việc xuất bản SGK không dễ dàng như đã nói ở trên.

NXB Giáo dục Việt Nam bằng kinh nghiệm, uy tín và năng lực đang chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần SGK, nhưng hoàn toàn không phải là đơn vị độc quyền hay có bất cứ ưu đãi nào.

sgk-2.jpeg
NXB Giáo dục Việt Nam đã rà soát các chi phí cấu thành giá để thực hiện tiết giảm.

PV: Mức chiết khấu cho các đầu mối – phục vụ cho việc bán hàng tới người tiêu dùng được phản ánh trên báo chí là 11-15% đối với sách giáo khoa, tùy theo nhà xuất bản. Theo ông đánh giá, con số này là cao hay thấp?

TS Nguyễn Văn Tùng: Mức chiết khấu này đang bị hiểu chưa đúng, chiết khấu này thực chất là chi phí phát hành. Phát hành sách giáo khoa cũng như phát hành các ấn phẩm sách khác, hay phát hành báo chí đều phải có chi phí, gồm: đóng gói, vận chuyển, kho bãi, giao hàng…

Mức phí phát hành sách giáo khoa như vậy là rất thấp, đặc biệt là với vùng núi, vùng sâu vùng xa.

Tôi có thể lấy ví dụ phí phát hành báo chí hiện nay đang ở mức từ 22% đến 25% giá bìa, cao hơn nhiều so với phí phát hành sách giáo khoa.

PV:Như vậy, với chi phí “chiết khấu” thấp như vậy, thì các đơn vị phát hành dường như sẽ có lãi rất thấp? Điều này đã thay đổi nhiều nếu như so sánh mức chiết khấu các năm về trước?

TS Nguyễn Văn Tùng: Việc tiết giảm chi phí để giảm giá thành SGK là chỉ đạo của các cấp lãnh đạo đối với NXB Giáo dục Việt Nam chúng tôi vì mục đích đảm bảo an sinh xã hội, vì quyền lợi người tiêu dùng.

Các đơn vị phát hành cần chia sẻ điều này với doanh nghiệp chúng tôi để cùng thực hiện trách nhiệm xã hội, điều đó cũng đòi hỏi các đơn vị nỗ lực tiết giảm các chi phí khác để tối ưu hoá hiệu quả sản xuất kinh doanh.

PV: Đối với riêng NXB Giáo dục Việt Nam, trước thềm năm học mới đã giảm trên dưới 10% giá SGK đối với từng bộ, để làm được điều này, NXB đã phải làm những gì?

TS Nguyễn Văn Tùng: NXB Giáo dục Việt Nam đã rà soát các chi phí cấu thành giá để thực hiện tiết giảm. Trong những chi phí mà NXB Giáo dục Việt Nam đã rà soát để tiết giảm giá có 2 khoản mục quan trọng nhất, đó là:

Chi phí tổ chức bản thảo: Chúng tôi đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế. Sản lượng này lớn hơn so với sản lượng dự kiến, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống.

Chi phí khâu lưu thông tiếp tục được chiết giảm, theo đó việc tiết giảm chi phí phát hành và bán hàng đã giúp giảm được 2,5% giá bìa.

Với SGK các lớp đã xuất bản: NXB Giáo dục Việt Nam tiết giảm chi phí để điều chỉnh giảm giá bán. Cụ thể: Giá của bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, bộ SGK Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.

Đối với SGK các lớp 5, 9, 12 xuất bản lần đầu: NXB Giáo dục Việt Nam đã xây dựng và hoàn thành kê khai giá theo cơ cấu giá đã giảm ở các lớp đã xuất bản trước đó.

Quy trình làm sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam phải trải qua 8 bước nghiêm ngặt: xây dựng tác giả; xây dựng mô hình bao gồm đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, biên soạn bài mẫu, dạy thực nghiệm; biên soạn bản thảo thô, góp ý điều chỉnh bản thảo tác giả.

Tiếp theo là biên tập thiết kế; thẩm định nội bộ đọc rà soát ý kiến chuyên gia thẩm định; thẩm định quốc gia hai vòng; giới thiệu sách; tập huấn giáo viên sử dụng sách và cung ứng sách giáo khoa. Do đó trong cấu thành giá của sách giáo khoa có rất nhiều chi phí mà chúng tôi đã liệt kê ở trên.

NXB Giáo dục Việt Nam và các đơn vị xuất bản SGK khác đều phải kê khai giá trên cơ sở các chi phí cấu thành giá và phải được Cục quản lý giá (Bộ Tài Chính) phê duyệt. Như vậy, trên thực tế, lợi nhuận từ sách giáo khoa hầu như không có, hoặc có rất ít. NXB Giáo dục Việt Nam có lợi nhuận là từ các sách khác như: sách bổ trợ, sách tham khảo…

Nhưng dư luận, ngay cả người trong ngành cũng không biết điều này, cứ cho rằng NXB Giáo dục Việt Nam doanh thu 3.000 tỉ, lãi 300 tỉ là từ sách giáo khoa. Nếu làm SGK dễ và lãi nhiều như vậy thì có lẽ đã có rất nhiều NXB, nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào việc biên soạn, xuất bản SGK.

NGƯT Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VEPIC cho biết: chi phí phát hành cho khâu lưu thông Tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 và Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp có quy định hạch toán chi chiết khấu thương mại của doanh nghiệp: là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn. Thực tế, chiết khấu được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lý trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng. Chiết khấu sách giáo khoa (SGK) không phải là một loại “hoa hồng”.

Thực tế, mức chiết khấu là một cấu phần của giá SGK và được kê khai đầy đủ với Cục Quản lý giá. Đó chính là chi phí lưu thông, phân phối mà bất cứ một loại sản phẩm nào đều phải gánh chịu. Mức chi phí phát hành là khoản chi phí chi trả cho các đơn vị phát hành trong toàn bộ kênh phân phối để thực hiện khâu lưu thông, cung ứng sách tới tận tay học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước.

Chi phí phát hành bao gồm: Chi phí thuê kho bãi, chi phí bốc xếp vận chuyển hàng hóa; chi phí phục vụ bán hàng và quản lý doanh nghiệp như nhân công, khấu hao tài sản cố định, chi phí cho cửa hàng bán lẻ…

Như mọi quy luật lưu thông khác, phần chi phí này dùng để trả cho các đại lý cấp dưới; chi phí cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lý, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển, lưu kho), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lý... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ về chiết khấu sách giáo khoa