Tháng trước, tập đoàn quốc doanh CNPC ký hợp đồng 27 năm tới Qatar và thâu tóm cổ phần trong 1 dự án lớn ở đất nước này. 1 tập đoàn khác là ENN Energy Holdings vừa ký hợp đồng kỳ hạn vài chục năm với công ty Cheniere Energy của Mỹ. Theo dự kiến cả 2 hợp đồng này sẽ bắt đầu có nguồn cung từ năm 2026.
Trong phòng họp của các doanh nghiệp từ Singapore đến Houston (Mỹ), các nhà cung ứng đang tích cực đàm phán với các nhà nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Những ông lớn quốc doanh như CNOOC và Sinopec đang trong quá trình đàm phán ở Mỹ, còn những công ty nhỏ hơn như Zhejiang Provincial Energy và Beijing Gas Group thì đang tìm kiếm bên bán tiềm năng.
Tập đoàn nhà nước Sinopec là một trong số các công ty đang đàm phán để đầu tư vào 1 dự án khí đốt ở Saudi Arabia, trong đó có cả xây dựng cơ sở hạ tầng để xuất khẩu.
Các thương vụ như vậy cũng sẽ bao gồm xây dựng hàng chục cảng nhập khẩu mới tại các thành phố ven biển của Trung Quốc trong thập kỷ này. Theo dự đoán của công ty tư vấn Rystad Energy (Na Uy), đến năm 2033 Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 138 triệu tấn, tăng gấp đôi so với mức hiện tại.
Một số chuyên gia trong ngành cảnh báo Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung vì bản thân Trung Quốc cũng đang tăng cường sản xuất trong nước và và lực cầu có thể sụt giảm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện trong những năm gần đây đã khiến suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thay đổi hoàn toàn. Giờ đây họ muốn tăng nhập khẩu và đảm bảo an ninh năng lượng cho dù điều đó mang đến nguy cơ bị dư thừa nguồn cung.
Năm 2021, do thiếu than – nguồn nhiên liệu chính để các nhà máy điện ở Trung Quốc hoạt động, nước này rơi vào tình trạng thiếu điện trên diện rộng, khiến nhiều hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Đến năm ngoái, hạn hán lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà máy thủy điện.
Trước tình trạng đó, Trung Quốc lại ráo tiết tăng sản lượng khai thác than lên mức cao kỷ lục. Giờ đây các nhà hoạch định chính sách nước này đang muốn làm điều tương tự với khí đốt.
Tham khảo Bloomberg