Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) lưu ý thí sinh ôn tập hiệu quả môn Sinh học với thay đổi trong đề thi tốt nghiệp THPT.
Cô Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết: Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có sự thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực, tích hợp liên môn, tăng cường tính phân hóa, giảm học thuộc lòng máy móc và tăng cường câu hỏi vận dụng, vận dụng cao.
Với môn Sinh học, điều này thể hiện ở tỷ lệ câu hỏi vận dụng, vận dụng cao tăng lên; đặc biệt ở các chuyên đề như di truyền học, tiến hóa, sinh thái học. Có xu hướng lồng ghép kiến thức liên môn (Sinh học - Hóa học - Địa lí, hoặc Sinh học - Toán học - Công nghệ).
Một số câu hỏi kiểm tra khả năng đọc hiểu dữ liệu, phân tích bảng biểu, sơ đồ, mô hình. Nhiều câu hỏi gắn chặt với phần thực hành trong sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018.
Yếu tố tính toán, đặt ra giả thuyết đã dần được thay thế, bản chất môn Sinh học được đưa vào mỗi từng câu hỏi trong đề.
Vì vậy, việc học thuộc lý thuyết đơn thuần sẽ không đủ. Học sinh cần hiểu bản chất kiến thức môn Sinh rèn luyện kỹ năng đọc đề, phân tích tình huống và áp dụng kiến thức một cách linh hoạt.
Học sinh cần xác định mục tiêu điểm số mong muốn đạt được; từ đó xác định vùng kiến thức cần ôn tập (dựa vào ma trận đề minh họa), lập một kế hoạch ôn tập rõ ràng, hợp lý và cá nhân hóa theo năng lực của bản thân.
Phân bổ thời gian hợp lý cho từng chuyên đề: Thí sinh hệ thống kiến thức theo từng phần (Di truyền học, Tiến hóa, Sinh thái học môi trường, kiến thức lớp 10 và 11) bằng cách tự tạo sơ đồ tư duy, hoặc bản đồ khái niệm, nhằm hệ thống kiến thức nhanh chóng, dễ nhìn, dễ nhớ.
Ôn lý thuyết đi đôi với luyện đề: Hàng ngày, các em nên học lý thuyết và luyện ít nhất 1 đề nhỏ. Trong lúc giải đề, cần ghi chú lại những câu sai, không chắc chắn để ôn lại vào cuối tuần. Thực hành giải đề theo thời gian quy định để làm quen áp lực thi thật, tự tạo phản xạ tư duy để từ đó đưa ra được phương án chính xác và hiệu quả nhất.
Bên cạnh việc ôn tập kiến thức, kỹ năng làm bài là yếu tố then chốt quyết định điểm số cuối cùng. Cô Nguyễn Thị Huyền Trang lưu ý học sinh như sau:
Đọc kỹ đề, gạch chân từ khóa: Trong đề có rất nhiều câu đánh lừa bằng cách thay đổi từ khóa hoặc lồng ghép nhiều tầng kiến thức, học sinh cần đọc kỹ, xác định đúng yêu cầu đề là bước quan trọng đầu tiên.
Phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài: Làm trước câu dễ, chắc chắn; đánh dấu lại câu khó để quay lại sau.
Không bỏ trống câu nào: Nếu không chắc, loại trừ các phương án sai và chọn phương án khả thi nhất và tuyệt đối không bỏ trống vì có thể may mắn đúng đáp án.
Dù các em có ôn tập kỹ lưỡng và nắm vững kiến thức đến đâu, nhưng nếu không giữ được tinh thần ổn định và sức khỏe tốt trong suốt quá trình ôn thi cũng như những ngày thi chính thức, thì rất khó để phát huy hết khả năng và đạt được kết quả như mong muốn.
Một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần tỉnh táo sẽ giúp các em tập trung, xử lý đề nhanh nhạy và tự tin hơn trước áp lực phòng thi. Vì vậy, hãy chăm sóc tốt cho bản thân, nghỉ ngơi hợp lý và giữ tâm thế lạc quan.